(TSVN) – Ngày 28/3/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản và tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp tổ chức Hội thảo Góp ý báo cáo tổng kết “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích ngư dân thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản”.
Đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng, trong đó ô nhiễm do rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa, đến từ các hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra trên đất liền và biển.
Theo bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Cục biển và hải đảo Việt Nam, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Việt Nam cùng các nước đang nỗ lực trong tiến trình giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương. Đến nay, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam” đã thu được những kết quả quan trọng, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa… góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển. Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, năm 2022 WWF Việt Nam tiếp tục hỗ trợ triển khai “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030” thông qua việc hỗ trợ “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản”.
Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam là một trong những vấn đề môi trường cấp thiết hiện nay. Ảnh: ST
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo, tham luận từ nhóm nghiên cứu, một số chuyên gia và đại diện ban quản lý cảng cá… Ông Nguyễn Quốc Tĩnh, chuyên gia nhóm nghiên cứu dự án cho biết, dự án đã kêu gọi được sự sẵn lòng tham gia của người dân vào hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải nhựa vào bờ để xử lý. Việc thu gom, xử lý rác thải nhựa tại cảng sẽ được thực hiện theo lộ trình. Năm thứ nhất, thu thập thông tin xây dựng cơ cấu hình thành giá và kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa tại 1 cảng cá, trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm thứ hai, xây dựng và công bố mức giá trực tiếp hoặc gián tiếp đối với từng loại tàu, mức giá trực tiếp phát sinh theo khối lượng đối với từng loại rác thải nhựa được cảng tiếp nhận, thu gom và xử lý theo quy định. Các năm tiếp theo có thể được điều chỉnh thông qua điều kiện cụ thể khi triển khai dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý rác thải nhựa cụ thể tại từng cảng.
Cũng tại đây, các đại biểu đã có những thảo luận, góp ý cơ chế khuyến khích thu đổi, tái chế rác thải nhựa. Ông Nguyễn Long, chuyên gia tư vấn chia sẻ, ở Việt Nam, chỉ có nghề lưới kéo mới thu được rác thải đáy biển. Trên thế giới, từ năm 2000 – 2015 đã có 10 dự án và hàng trăm con tàu lưới kéo thu rác thải đáy biển, tàu kéo toàn bộ lưới đi dưới biển và thu được nhiều rác. Đã có nhiều văn bản, nghị quyết, hướng dẫn thu gom rác thải nhựa nhưng hành động chỉ mới thể hiện ở ít dự án nhỏ, do đó, cần xây dựng chương trình hành động có biện pháp thực tế. Giao nhiệm vụ cho cảng cá thu gom thải nhựa, lập mô hình bán chuyên về xử lý rác thải nhựa mà thành phần chủ đạo là lãnh đạo cảng, có sự tham gia của Sở NN&PTNT UBND xã và đại diện cộng đồng nhân dân. Đặc biệt, cần phải có cơ chế hỗ trợ ngư dân bằng việc tổ chức đội thu mua ngay tại cầu cảng, cân tất cả rác tái chế và không tái chế. Ngoài ra, ông Long cũng đề xuất phương án sử dụng túi mềm cho thu mua rác thay vì sử dụng thùng cứng.
Thái Thuận