Gần hết nửa năm 2013 nhưng nợ xấu từ năm 2012 vẫn trĩu nặng ngành thủy sản, tiếp tục đẩy nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lún sâu hơn vào khủng hoảng, chưa biết bao giờ, cách gì thoát ra được.
Vào vòng tố tụng
Chiều 24/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ tống đạt quyết định khởi tố bị can 4 cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ – Hậu Giang về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Gồm ông Lương Quang Minh, nguyên Giám đốc; bà Nguyễn Thị Mai, nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu; ông Lâm Chí Công, Phó phòng Tín dụng xuất khẩu và ông Nguyễn Minh Phục, nguyên cán bộ tín dụng.
Các ông bà này liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty TNHH An Khang ở khu công nghiệp Trà Nóc bị khởi tố tháng 9/2011, làm khống hợp đồng mua nguyên liệu cá tra và xuất khẩu sản phẩm để chiếm đoạt của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ – Hậu Giang hơn 76 tỷ đồng; chiếm đoạt của nhiều ngân hàng khác hơn 100 tỷ đồng. Theo lời khai của các bị can ở Công ty An Khang, để vay và chiếm đoạt được tiền, phải hối lộ nhiều cán bộ ngân hàng, trong đó có 4 người vừa bị khởi tố.
Nguyên Giám đốc Lương Quang Minh là người vào ngày 17/7/2012, đến nhà đại úy Trương Minh Phú để biếu 100 triệu đồng nhưng đại úy Phú đã trả lại. Đại úy Phú ở Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ của Công an Cần Thơ, trực tiếp điều tra vụ án lừa đảo tại Công ty An Khang. Cả chục người đã bị khởi tố, nhiều người trong đó bị bắt tạm giam nhưng món nợ của Công ty TNHH An Khang chuyên chế biến và xuất khẩu cá tra, khoảng 500 tỷ đồng thì vẫn nguyên vẹn.
Không ngờ có lúc cá tra lại trở thành gánh nặng – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Chiều 22/3, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Phạm Thị Mai 7 năm 6 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Bà Mai ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) bán cá tra cho DNTN Vạn Hưng ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhiều tỷ đồng, sau hai năm, còn bị nợ hơn 1,6 tỷ đồng nên ký hợp đồng mua nhà máy giá 5,5 tỷ đồng. Tiền nợ thành tiền đặt cọc, còn thiếu bà Mai trả thêm. Hợp đồng chứng thực ở UBND xã, bà Mai tháo máy móc thì bị khởi tố. Tòa cho rằng, bà Mai mua nhà máy nhưng chưa sang tên. Phiên tòa mở sáng 18/3, đại diện Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đề nghị phạt bà Mai 13 – 14 năm tù. Tòa đã giảm số năm phạt tù xuống nhưng vừa nghe án xong, bà Mai ngất xỉu, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Món nợ của bà Mai và nhiều người nuôi cá tra khác (nhiều tỷ đồng) vẫn nguyên đó, mà nhà máy chế biến cá tra của DNTN Vạn Hưng thì không còn.
Dịch vụ khốn đốn
Kinh doanh thức ăn và thuốc thú y thủy sản ở ĐBSCL cũng đang khốn đốn do doanh số ngày càng giảm, nợ khó thu hồi tăng lên.
Lãnh đạo doanh nghiệp vái trước tượng Phật ở Công ty CP Thuỷ sản Bình An – Ảnh: Sáu Nghệ
Chị Phương Thùy, chủ cửa hàng thức ăn thủy sản QV, trên QL 1A, thuộc phường Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ), cho biết, khó khăn từ đầu năm 2012 đến nay ngày càng tăng lên. Do diện tích nuôi và số người nuôi thủy sản giảm dẫn đến doanh số bán giảm, hiện giảm đến 80 – 90% so với hơn một năm trước. Nếu trước đây doanh số bán thức ăn cho một hộ hoặc một doanh nghiệp nuôi quy mô nhỏ, một tháng đạt 100 triệu đồng, nay chỉ còn 5 – 10 triệu đồng. Theo chị Phương Thùy, kinh doanh nghề này phải đầu tư 40 – 50%; thậm chí là 100% cho người nuôi. Thường thì sau nửa thời gian nuôi hoặc sau khi bán nguyên liệu, người nuôi mới trả tiền mua thức ăn, nhưng nếu lỗ thì khó trả hết, dẫn đến nợ. Lâu nay, cá tra nguyên liệu bán dưới giá thành nên việc thu nợ tiền bán thức ăn chỉ đạt 50 – 60%.
Công ty TNHH Huỳnh Thanh ở số 279, ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân (Châu Thành A, Hậu Giang), chuyên cung cấp các loại thuốc phòng, trị bệnh cá tôm, đặc trị bệnh mủ gan thận cá tra. Công ty có đội ngũ kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm, thường xuyên áp dụng phương pháp điều trị mới làm tăng hiệu quả và giảm chi phí, sẵn sàng nhận tư vấn miễn phí cho hộ nuôi. Tuy đồng hành với người nuôi và ngày càng có nhiều khách hàng, nhưng đơn vị đang rơi vào khó khăn nan giải, bởi doanh số tụt giảm, nợ cần thu hồi tăng cao.
Kỹ sư Lê Huỳnh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Thanh, cho biết, năm 2012, doanh số kinh doanh thuốc thú y thủy sản một tháng gần 2 tỷ đồng, nay chỉ còn 700 – 800 triệu đồng, tổng nợ cần thu hồi đã tăng lên 30%. Trong đó, nợ phải thu từ người nuôi cá tra lên đến 50% so với doanh số bán ra. Trước khó khăn, để duy trì hoạt động kinh doanh và việc làm cho đội ngũ kỹ sư, Công ty Huỳnh Thanh đang phải đàm phán kéo dài thêm thời gian thanh toán với nhà cung cấp thuốc thú y thủy sản và bổ sung vốn từ các thành viên. Tuy nhiên, theo kỹ sư Tú, rất mong nhà nước có những giải pháp cụ thể hạn chế vòng xoáy nợ nần hiện nay, cứu ngành thủy sản khỏi nguy cơ đổ vỡ dây chuyền.
>> Những doanh nghiệp nợ nần lớn từng làm nóng dư luận năm 2012, nay cũng chưa thoát được khủng hoảng. Chẳng hạn, ở tỉnh Sóc Trăng có Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (chế biến tôm xuất khẩu) nợ hơn 1.600 tỷ đồng; ở TP Cần Thơ có Công ty TNHH XNK Thủy sản Thiên Mã (chế biến cá tra) nợ gần nghìn tỷ đồng, cả trong và ngoài ngân hàng. |