Tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) phạt “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Lý do là Việt Nam chưa quản lý tốt ngành khai thác hải sản hoặc khai thác thiếu bền vững, bất hợp pháp và không có báo cáo (IUU). Trước vấn đề này, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ IUU.
Kiểm soát khai thác IUU góp phần duy trì nguồn lợi thủy sản Ảnh: Xuân Trường
Kiểm soát nguồn gốc hải sản
Khai thác IUU dẫn đến tình trạng khai thác quá mức và làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sản, thường diễn ra phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, có hệ thống thực thi pháp luật kém hiệu lực, kém hiệu quả. Theo kết quả nghiên cứu (Agnew, 2009), sản lượng khai thác IUU toàn cầu ước 11 – 26 triệu tấn, tương ứng 10 – 23,5 tỷ USD. Do đó, cộng đồng quốc tế đã ban hành nhiều quy định, điều ước thúc đẩy hoạt động phòng chống IUU trên phạm vi toàn cầu. Các biện pháp phòng chống khai thác IUU được quy định ở một số văn bản như: Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982; Hiệp định về đàn cá di cư của Liên hợp quốc năm 1995; Bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm của FAO năm 1995; Kế hoạch hành động quốc tế nhằm hạn chế, ngăn chặn và loại bỏ IUU của FAO năm 2001; Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng của FAO năm 2009.
Việt Nam là quốc gia có nghề cá phát triển nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khai thác hải sản xa bờ. Năng lực khai thác liên tục tăng trong hơn 20 năm qua, từ 71.500 tàu với công suất trung bình 30,9 CV/tàu (năm 1997) lên 90,1 CV/tàu (năm 2016); với sản lượng tương ứng là 1,08 triệu tấn lên gần 3 triệu tấn. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản, nguồn lợi hải sản đang có xu thế suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển không bền vững. Trong khi, số lượng tàu nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) thường xuyên vi phạm chủ quyền, xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản có xu thế gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp. Mặt khác, do lợi ích kinh tế, các địa phương chưa thật sự quyết liệt xử lý các vi phạm và chế tài chưa đủ sức răn đe. Đây chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng từ năm 2015, tàu cá của Việt Nam sang khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tăng đột biến.
Khai thác IUU làm suy giảm nguồn lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại và hoạt động xuất khẩu của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Chính phủ Việt Nam không dung túng, khuyến khích hoạt động này ở các vùng biển trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khai thác IUU là vấn đề mang tính xã hội – kinh tế có tính lịch sử do các nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra và gắn liền với đặc trưng nghề cá quy mô nhỏ nên cần có cách tiếp cận xử lý phù hợp, có trách nhiệm, nhân đạo và cần có thời gian vận động giáo dục kết hợp xử lý nghiêm minh phù hợp với luật pháp quốc tế và đặc điểm luật pháp của mỗi quốc gia. Cùng đó, việc kiểm soát khai thác IUU sẽ góp phần duy trì nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, an ninh quốc gia trên biển.
Ngăn chặn triệt để
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã chủ động thực hiện và tham mưu cho Chính phủ từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá và triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống khai thác IUU.
Nhưng, hiệu quả ngăn chặn còn chưa như mong muốn. Theo đó, ngày 10/10/2017, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU đến năm 2025 trình Chính phủ. Kế hoạch nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá hiệu quả, an toàn, bền vững; đồng thời, giải quyết một số nội dung quan trọng theo khuyến nghị của Đoàn Công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của EC (DG-MARE).
Theo đó, một số nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản sửa đổi trong đó có nội dung về IUU; phê duyệt Đề án khai thác hải sản viễn dương, quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực hiện truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của khai thác IUU, thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực tuân thủ luật pháp Việt Nam cho cộng đồng ngư dân. Trong giai đoạn 2018 – 2020, chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và người dân Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thủy sản 2017, phê chuẩn việc tham gia các hiệp định chống thai thác bất hợp pháp như Hiệp định về đàn cá di cư (UNFSA), Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA). Giai đoạn 2021 – 2025, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế quản lý nghề cá. Áp dụng chính sách chuyến chuyển đổi nghề, sinh kế bền vững để hỗ trợ người dân. Kiểm soát chặt chẽ số lượng, chủng loại và xuất xứ các lô hàng thủy sản nhập khẩu. Tăng cường năng lực kiểm soát, thành tra tàu cá, xác nhận sản lượng lên bến tại các cảng cá, bến cá và truy xuất nguồn gốc một cách đồng bộ. Mục tiếp để đến năm 2025, 95% sản lượng khai thác lên bến được kiểm soát và xác nhận nguồn gốc ngay tại cảng.
Được biết, hiện EU chưa tiến hành bất cứ biện pháp kiểm soát chặt chẽ nào đối với hàng thủy, hải sản nhập khẩu từ Việt Nam. Mọi hoạt động giao dịch thương mại vẫn diễn ra bình thường và doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, EU có hệ thống cảnh báo các lô hàng vi phạm về chất tồn dư, vi phạm truy xuất nguồn gốc và đặc biệt sẽ lưu ý những lô hàng được đánh bắt từ biển. Hệ thống này sẽ gửi thông tin về cho phía Việt Nam biết và khắc phục.
>> Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam: Câu chuyện không dừng ở “thẻ vàng” mà trong bối cảnh lớn hơn, đó là thúc đẩy hợp tác song phương về hiệp định tự do thương mại EVFTA đang trong quá trình rà soát pháp lý để phê chuẩn. Việt Nam có thể tìm hiểu kinh nghiệm từ Philippines và Thái Lan trong việc kiểm soát tốt hoạt động đánh bắt hải sản. |