T2, 06/07/2020 10:28

Nỗi niềm của những “kỹ sư dùi đục”

Chưa có đánh giá về bài viết

Nói đến nghề đóng tàu cá đi biển ở Quảng Bình, ai cũng biết đến xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch). Nơi đây, mỗi năm có hàng chục chiếc tàu đánh cá công suất lớn được hạ thủy để hướng về biển cả. Với cách làm dân gian, những “kỹ sư dùi đục” ở xứ biển này – vốn chẳng được học qua trường lớp chính quy nào – chỉ với những dụng cụ thô sơ như cưa, bào, đục vẫn chiếm được niềm tin của các chủ tàu bằng các sản phẩm hoàn hảo “mếch đờ in” Đức Trạch.

Ở Đức Trạch, những người thợ đóng tàu cá vỏ gỗ đã đóng được những con tàu có công suất hàng trăm CV, trị giá hàng tỷ đồng, đủ sức phục vụ những chuyến vươn khơi dài ngày” – Anh Phạm Văn Thắng, một đồng nghiệp người gốc Bố Trạch tình nguyện làm “người đưa đường” cho chúng tôi trong hành trình khám phá làng nghề đóng tàu Đức Trạch, “chốt” lại như vậy, sau một hồi hào hứng kể về cái nghề “ít nơi nào có được” ở quê mình. Anh Thắng bảo, đóng tàu cá là cái nghề luôn đối mặt với vất vả, nặng nhọc. Thợ đóng tàu cá cơ bản vẫn là thợ mộc, thế nhưng, không phải thợ mộc nào cũng làm thợ đóng tàu được. Riêng cái “bí kíp” hơ ván lên đống lửa cháy bùng để tấm ván “mềm” ra nhằm dễ uốn cong rồi lắp vào khung sườn tàu, những thợ mộc tay ngang nhìn vào đều lè lưỡi, huống hồ người “ngoại đạo”. “Người ta gọi vui thợ đóng tàu cá vươn khơi là “kỹ sư dùi đục” là muốn ám chỉ đến công việc mang tính thủ công của họ. Thực ra, nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều dụng cụ, thiết bị hiện đại hỗ trợ, chứ không làm bằng tay 100% như trước đây chừng mươi năm. Tuy vậy, do đặc thù công việc, không phải ai cũng có thể làm nghề này, vì để trụ được, người thợ phải có sức khỏe, siêng năng, chịu khó, sáng tạo, phải nắm được bí quyết riêng của nghề…” – Anh Thắng tiết lộ thêm rồi đưa chúng tôi “thâm nhập” làng nghề.

Một góc công trường đóng tàu.

Theo anh bạn đồng nghiệp hay chuyện, nhiệt tình, chúng tôi có mặt tại bãi đóng tàu của ông Phạm Minh Hồng, một nghệ nhân nổi tiếng vào hàng nhất nhì Đức Trạch. Là “nhạc trưởng” ở chính cơ sở đóng tàu của mình nên công việc của ông Hồng khá bận rộn. Chúng tôi đến đúng lúc ông đang chỉ đạo anh em thợ lắp đặt hệ đà, be tàu… Trong quá trình làm việc, nếu gặp vướng mắc, anh em không thể khắc phục được là ông sẵn sàng xắn tay vào. “Ba, bốn chục năm trước, dân Đức Trạch chỉ đóng được những tàu nhỏ, chủ yếu sử dụng sức gió và sức người để di chuyển, đánh bắt hải sản ven bờ. Còn bây chừ, các anh thấy đó, tụi tui đã đóng mới những tàu cá trị giá hàng tỷ đồng. Như con tàu ni, vốn đầu tư cỡ 2,5 tỷ, công suất vào hàng “ác liệt” là 500CV, đủ sức tham gia đánh bắt hải sản ở các ngư trường xa như Trường Sa, Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ…” – Vừa lau vội đôi tay săn chắc lấm lem các vết bẩn, ông Hồng vừa khoe, giọng tự hào.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hồng cho biết, gia đình ông có tới bốn đời “kiếm cơm” từ nghề đóng tàu thuyền và riêng ông cũng đã có thâm niên một phần ba thế kỷ gắn bó với nghề này. Điều đáng tự hào là, không rõ có phải cơ duyên hay không mà cả đời cụ, ông nội và cha ông Hồng đều “gánh” vai trò “nhạc trưởng”, tức là thợ cả. Nói về “lý lịch nghề” của riêng mình, ông Hồng cho biết, ngay từ lúc mới hơn 10 tuổi, được chứng kiến ông nội và cha làm nghề, những đường vân gỗ, chiếc rìu, chiếc búa, cây đinh và hình dáng những con tàu, thuyền đã ăn sâu vào máu thịt lúc nào không biết, để rồi “cơ duyên” của nghề gắn bó với ông cho tới bây giờ.

“Nói thật, nghề đóng tàu có tồn tại được hay không đều phụ thuộc vào nghề biển “no” hay “đói”. Nếu biển “no” thì làm dồn dập không hết việc, nhưng biển “đói” thì thất nghiệp dài, cả năm được 1 – 2 tàu đã là may mắn lắm rồi” – Đưa mắt nhìn con tàu cỡ lớn hình hài, vóc dáng đang hoàn thiện, ông Hồng tâm sự với chúng tôi. Ông cho biết thêm, từ thời Hợp tác xã đóng tàu thuyền Đức Thuận còn tồn tại, Đức Trạch nổi tiếng khắp các vùng biển miền Trung bởi những con tàu, thuyền được đóng dưới sự chỉ huy của các “nhạc trưởng” nổi tiếng như Phạm Văn Chiến, Phạm Văn Tụi, Phạm Văn Hoàng. Hồi đó, tàu cá công suất nhỏ, chủ yếu dưới 20CV nên kỹ thuật đóng tàu không đòi hỏi cao. Giá các loại gỗ thấp nên chi phí đóng một chiếc tàu không nhiều. Tuy nhiên, vì được quản lý, điều hành theo cơ chế bao cấp nên thu nhập của các xã viên cũng thấp, chỉ đủ lo toan cuộc sống hằng ngày. Đến năm 1988, Hợp tác xã giải thể, trên 50 xã viên, trong đó, hầu hết là các “bàn tay vàng” trong nghề đóng tàu thuyền phải tự bươn chải lo cuộc sống. Những năm 1995 – 2000, khi trào lưu đóng mới tàu đánh bắt xa bờ ngày một nhiều, các nhóm thợ ở Đức Trạch liên tiếp nhận được những hợp đồng đóng tàu công suất lớn, bình quân mỗi năm đóng được khoảng 40-50 tàu, công suất từ 70CV trở lên. Nhưng mấy năm gần đây, do giá gỗ, máy móc thiết bị tăng cao, giá trị của mỗi chiếc tàu cũng phải tăng theo, có khi lên tới hàng tỷ đồng khiến cho nghề đóng tàu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự khó khăn của nghề đóng tàu ở Đức Trạch không hoàn toàn bắt nguồn từ yếu tố mang tính nội tại của “ngành”, mà còn do nguyên nhân khách quan là ngư dân – khách hàng của các cơ sở đóng tàu – đi biển ngày càng gặp khó. “Ngày trước, phần lớn tàu thuyền ở miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng, trong đó có Đức Trạch khai thác ở vùng biển ven bờ, chủ yếu sử dụng tàu công suất thấp. Hiện nay, do nguồn thủy sản ven bờ cạn kiệt, ngư dân có xu hướng khai thác ở vùng biển khơi xa, nhưng việc đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ thì chỉ những hộ ngư dân có đủ tiềm lực về tài chính mới đáp ứng được, số còn lại phải ngậm ngùi với công cụ sản xuất khiêm tốn của mình…” – Ông Hồng bày tỏ “nỗi niềm” của mình với tư cách là một bậc “trưởng lão” của nghề đóng tàu Đức Trạch.

Để đóng một con tàu, phải trải qua nhiều công đoạn với tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo.

Vừa tập trung lắp đặt hệ thống chân vịt cho con tàu đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, anh Thành, một “nhân viên” của nghệ nhân Phạm Minh Hồng vừa chia sẻ với chúng tôi về “bí quyết nghề”. Theo anh Thành, để đóng được những chiếc tàu chịu sóng, gió tốt và sử dụng lâu bền thì phải dùng các loại gỗ tốt, có độ dẻo, dai, ít thấm nước. Quá trình đóng tàu phải tuân thủ thiết kế, quy trình kỹ thuật và đặt dưới sự kiểm tra, giám sát ngặt nghèo của thợ cả. Bất cứ một chi tiết nào, dù nhỏ đến mấy, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, đều phải bắt đầu lại từ đầu. “Việc đảm bảo các tính năng an toàn kỹ thuật trước khi hạ thủy tàu là yêu cầu bắt buộc đối với công việc đóng tàu, chỉ cần một sơ suất hoặc cẩu thả của người thợ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Một chiếc tàu cá, dù to lớn đến mấy, giữa biển khơi, nhất là khi biển động, cũng trở nên mỏng manh như chiếc lá tre” – Anh Thành khẳng định. Theo anh Thành, do nghề đóng tàu cá có những đặc thù như vậy nên kiếm được đồng tiền lãi là chuyện không hề đơn giản. Ở thời điểm hiện nay, giá gỗ để đóng một con tàu đã cao gấp 3 lần so với trước năm 2005, vì thế, nghề đóng tàu cá đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là “bí”… khách hàng. Với thời giá hiện nay, đóng mới một con tàu công suất lớn phải mất từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng, trong khi ngư dân vừa “đói biển”, vừa thiếu vốn…

Như muốn chia sẻ sự đồng cảm của mình với nỗi niềm của thợ đóng tàu, anh ngư dân tên Long, một người đang có ý định đóng mới một tàu cá công suất 420CV bày tỏ đại ý rằng, đóng xong con tàu hết gần 2 tỷ đồng, gia đình anh phải vay mượn, cầm cố toàn bộ nhà cửa mới đủ, trong khi đó, vốn vay ưu đãi chỉ được 300 triệu đồng. “Ngư dân chúng tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm cho vay thêm nguồn vốn ưu đãi để giảm bớt khó khăn, có thêm nhiều tàu lớn vươn ra ngư trường xa. Được như vậy, sẽ có lợi “nhiều đường”, vì không chỉ ngư dân có tàu vươn khơi, thu về nguồn lợi hải sản, mà còn giúp cho nghề đóng tàu cùng với “ngành” hậu cần nghề cá “phất” lên theo…” – Anh Long tâm sự.

Đăng Anh

Báo Biên phòng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!