Quảng Xá (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) quê tôi ở cuối nguồn sông Kiến Giang. Đoạn mở rộng lòng chuẩn bị nhập nguồn với sông Đại Giang nơi ngã ba hòa cùng nước dòng sông Nhật Lệ, có tên gọi từ lâu là Rào Tùng. Ngày xưa mới lập cư, Rào Tùng đặc biệt chứa đủ ba chế độ nước quanh năm là ngọt, lợ và mặn. Đoạn sông có tính độc đáo riêng ít nơi nào có.
Điều đáng nói là, dù ở chế độ nào, nếu dưới cửa biển theo thủy triều dâng lên nước mặn cũng phải qua phá Hạc Hải. Dòng Kiến xuôi về thì nước ngọt cũng tuôn qua phá. Phá Hạc Hải được xem như một nhà máy lớn của nhà trời ban xuống quê tôi làm nơi điều hòa, điều tiết chế độ nước quanh năm.
Hàng ngày, thủy triều lên xuống mang một lưu lượng nước đi vào, đi ra lòng phá mênh mông rộng lớn hàng triệu triệu khối chuyển động mà yên tĩnh, không chút ồn ào xáo động giữa làng quê. Vì thế, đây thành nơi hội tụ cá và chim trời như cò, diệc, le le, bồng bồng, vịt nước sinh sống. Chính đoạn Rào Tùng có nguồn nước lợ này có điều kiện tốt tạo sinh nhiều phù du, phong phú thức ăn nên giữ được chân các loài cá từ cửa biển lên, từ thượng nguồn về kiếm sống và sinh sản.
Cá bầy ăn nổi, ăn lửng đáng kể là cá buôi, cá gáy, cá dầy, cá chẻng, cá mạu, cá ngát, cá mương…; cá ăn chìm thì có cá bống, cá chai, cá đuối…Đáng kể hơn là loài thủy sản chân đốt như tôm, rạm, còng sống ven bờ trong rừng bần, lùng, lác; loại nhuyễn thể có ốc vặn, ốc đá… Rào Tùng, đoạn sông dài không đầy 2 km này, như là nơi giao hẹn, chốn gặp gỡ hội vui của muôn loài hải sản. Người quen nghề đánh bắt, rút được kinh nghiệm, con nước nào thời khắc nào thì loài thủy sản nào chiếm ngự vực sông. Và họ chủ động chuẩn bị ngư cụ đánh bắt nhằm thu về nguồn lợi.
Khu vực sông Kiến Giang nhập nguồn với Đại Giang để hòa cùng dòng Nhật Lệ. Ảnh: Đức Thành
Chẳng hạn như, con rạm ở chìm giữa lòng phá, thường dậy kéo đàn đi theo mùa từ sau Tết Nguyên đán, cho đến tháng nước lụt về hàng năm, là kết thúc chu kỳ hoạt động. Điều đặc biệt của loài rạm là kéo đàn nổi lên mặt nước, đi tính ngày của tháng âm lịch, theo tuần trăng, ngược lên hay xuôi về. Cụ thể là, nếu tháng đầu của năm, rạm đi 3 ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 gọi là rạm “đi trồi”. Nếu đầu năm rạm đi 3 ngày vào ngày rằm, ngày 16, ngày 17 gọi là rạm “đi trụt”.
Bởi vậy theo kinh nghiệm dân gian quê tôi đúc kết mà có câu thành ngữ đoán về thời tiết thật nghiệm: “Rạm đi trồi thì lụt, rạm đi trụt thì mưa” hay “Muốn biết mùa tháng tám, coi con rạm tháng tư” (tháng tư rạm đi nhiều thì lụt to). Đây xem như là một bí ẩn của thiên nhiên. Biết hoạt động của rạm, người làm nghề quê tôi chuẩn bị thuyền, nôốc, tay vợt, chơng, sáo, theo dõi thủy triều để vớt rạm khi cao điểm hàng tấn rạm kết đàn bơi đặc mặt nước.
Quê tôi không ở vùng nước lũ, mà là vùng chỉ có lụt. Lụt nước dâng từ sông vào đồng cùng mưa cùng gió mạnh. Chực nơm cá gáy lụt không phải là một nghề mà hoạt động theo tính thời vụ. Cứ đến tháng 8, tháng 9 con rạm hết hoạt động. Những đợt nước lớn trên nguồn về qua phá đến Rào Tùng gặp thủy triều dâng lên, nước tràn vào càng mạnh.
Khi cá theo dòng nước chạy từng đàn về, gặp thủy triều đưa nước mặn lên nhanh, thế là bị sức ép của hai nguồn nước lên và xuống, bản năng buộc cá phải rẽ ngang bờ nước để vượt lên tránh bị xót mắt. Loài cá gáy đang lượn sát bờ, bỗng bị ngập mặn như gặp mối nguy, tranh nhau rẽ nước tràn qua đập thoát vào đồng. Cùng với cá gáy có các bầy cá mại, cá mương, cá ngát, cá lúi, cá rô, cá diếc…, lau nhau chen chúc cùng vượt, loại cá nhỏ này sa vào các tay lưới bén của trai làng đã thả sẵn lập lờ mặt nước, hay lọt vào các bẫy róc cắm đặt theo những khe nhỏ, qua kẽ đất chảy xiết mà phải vùng vẫy nộp mình.
Điều đáng nói ở thời điểm này là sự tung đàn của cá gáy. Cá gáy vào tháng chín âm lịch là mùa đẻ trứng nên chúng đi từng cặp đôi, cặp ba. Khi con cá cái vượt đập đẻ trứng thì đàn cá đực đuổi theo sau làm công việc truyền giống tiết tinh dịch. Chúng đuổi nhau rẽ nước từng luồng nổi sóng. Người chực nơm tinh mắt một chút là phát hiện ra. Từ kinh nghiệm, biết được nếp sinh hoạt của cá gáy, người đi chực thường chiếm một điểm cao dõi mắt, thấy động là đuổi theo, một tay cầm nơm đưa cao đón đầu là úp được cá. Cá gáy đẻ thường to khỏe, có con nặng 2,5kg-3kg nhưng nếu dùng nơm đã yếu, cá sẽ chạy mạnh xé toạc nơm thế là cá thoát, người cũng bị động bổ nhào trong nước ngập, vừa rét lạnh, vừa tiếc ngẩn ngơ.
Vậy chúng ta cũng cần phải biết loại ngư cụ nơm là gì, chực là thế nào? Chực tức là chờ cơ hội đến để hành động. Nơm là ngư cụ thông dụng nhất mang tính phổ biến. Nơm không phải ai cũng làm được mà phải qua tay người có nghề gọi là thợ đan. Làm nơm chỉ cần hai loại nguyên liệu tre già và mây dẻo. Nghệ thuật làm nơm đòi hỏi người thợ phải giỏi tết chân đăng, sao cho đều và bền chắc. Mỗi nơm, miệng có đường kính rộng 0,5 – 0,6 m, cần từ 65 – 70 nan cật được vót đều, đầu to hình ê-líp, cuối mút nan được vót nhọn tôi lửa để cho dẻo và không bị nứt vỡ. Đầu đuôi nan vót tròn nhỏ bằng đầu đũa ăn cơm, phải trăm thanh như một mới kết được chiếc nơm cân đối, chắc, bền. Đầu nơm phải niềng mây trơn đẹp, giữ mấu cho 4 ngón tay quặp chặt với ngón cái để tư thế nào cũng gọn và dễ cơ động.
Chực cá gáy lụt chỉ dùng ngư cụ nơm là cơ động, không ai lệ thuộc ai, không phân công, không phối hợp. Mắt ai nhận ra luồng động của cá lượn là xách nơm chạy đuổi theo chọn thế chụp. Khi nước lụt chưa tràn đồng, trên một con đập có thể vài người đến chục người và có khi vài chục người tay nơm. Nhưng nơm của ai người ấy dùng. Khi bắt được luồng cá chạy thì tay ai cũng cầm nơm chạy, xăm chụp đều. Người khỏe thì hai tay hai nơm, người yếu thì một nơm, nhưng cũng chăm chú, thoăn thoắt trong rào rào sóng nước. Ai nơm úp được cá thì reo lên vui sướng. Khi cá nằm gọn trong lòng nơm, dùng cả hai tay nắm đầu nơm nhấn xuống đất giữ chặt. Khi đã bình tỉnh rồi thì nghiêng người thả một tay vào lòng nơm quấy mạnh, đuổi vòng, làm cho cá mệt. Khi nắm được đầu cá rồi thì kéo cá qua đầu nơm. Gặp những con cá to không lọt đầu nơm thì rút sợi dây thủ sẵn xâu vào mang cho chắc chắn mới nhổ nơm lên khỏi đất, lòng tự sung sướng với thành quả.
Chẳng hiểu trời sinh muôn loài thế nào, mà riêng con cá gáy đẻ, thường vật vờ chờ nước lụt tuôn về mới chịu vượt đập lên cạn có nước bạc là đẻ được. Cá gáy vượt cạn thường là cá lớn tìm những lệch chênh dòng nước để lách mình vật vờ khi tức đẻ. Chúng không biết có con người đã hiểu sinh hoạt chúng, đang dương mắt ngồi chực. Chực nơm cá không chỉ riêng đàn ông mà cả phụ nữ, người nhanh nhẹn khỏe mạnh đều có thể tham gia được.
Mùa lụt, trên cả triền đập kéo dài dưới rừng bần làng tôi gọi là Đập Vụng chạy song song uốn lượn với bờ Rào Tùng luôn vui như hội, dù mưa sa dù gió táp. Sự rủi may của mùa chực cá gáy lụt là chuyện thường. Có người nơm được cá liên tục, nhưng cũng có người về không khi mặt nước dâng cao bạc phớ khỏa bằng, không còn thấy luồng cá chạy.
Tuy nhiên, nhu cầu vật chất là cần, nhưng cơ bản là đam mê, ở cái công việc gọi là “chim trời cá nước ai bắt được thì ăn”. Bởi hễ một người được cá, tất cả cùng đều reo vui, đều hăm hở hơn, đều say sưa hơn với tay nơm mình. Và, nói, chực nơm cá gáy lụt không phải nghề, mà công việc thời vụ là vậy. Người may, người rủi, nhưng niềm vui thú luôn được chia đều.
Ghi chép của Nguyễn Văn Tăng
Nguồn: Báo Quảng Bình