Nói đến con tôm thẻ chân trắng nhiều người sẽ nghĩ đến các mô hình phát triển kinh tế của các hộ dân ở vùng ven biển.
Ông Chiến (áo đỏ) thu hoạch tôm thẻ chân trắng
Theo Trang Thông tin điện tử – Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên, tuy nhiên tại thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão, ông Ngô Văn Chiến đã thuần hóa thành công con tôm thẻ chân trắng sống ở nước mặn sang nuôi ở nước ngọt bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão hỏi thăm ông Chiến nuôi tôm thì ai cũng biết. Vì ở vùng này, người dân chỉ quen với cây lúa, nuôi con vịt, con gà chứ nuôi tôm thì chỉ có ông Chiến, và họ cũng quen gọi ông là ông Chiến “tôm”.
Ông Chiến rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm chân trắng cho nhiều người
Khởi nghiệp với mô hình nuôi vịt đẻ kết hợp thả cá rô phi đơn tính, song do thị trường bão hòa các vật nuôi truyền thống nên những năm gần đây mô hình kinh tế của gia đình không còn đem lại hiệu quả cao. Với quyết tâm làm giàu trên đất quê mình, ông Chiến đã đi nhiều tỉnh thành ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh tìm hiểu về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng.
Mặc dù đặc thù tôm thẻ chân trắng sinh sống ở nước mặn và nước lợ, nhưng bằng niềm đam mê, sáng tạo, ông Chiến là người đầu tiên trong huyện thành công trong việc thuần hóa con tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt.
Ông Chiến chia sẻ: “Khó khăn lắm, vì đây là mô hình mới chưa có ai ở đây làm mà học hỏi. Tháo gỡ dần khó khăn, giờ tôi thấy tôm phát triển tốt, chất lượng tốt không kém gì tôm thẻ chân trắng nước mặn…”
Theo kinh nghiệm của ông Chiến, để nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt thành công, thì người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật được ngành nông nghiệp khuyến cáo như: chọn con giống ở những địa chỉ tin cậy để tôm sạch bệnh, ao nuôi tôm cần được cải tạo kỹ sau mỗi vụ, lấy và xử lý nước theo đúng quy trình kỹ thuật.
Ông Chiến (áo đỏ) thu hoạch tôm thẻ chân trắng
Trong suốt quá trình nuôi nên duy trì mực nước tối thiểu trong ao từ 1,2 – 1,5 m và quản lý chất lượng nước bằng các chế phẩm vi sinh để duy trì chất lượng nước ổn định đến cuối vụ. Tôm thẻ chân trắng có ưu điểm là thời gian nuôi ngắn từ 2,5 – 3 tháng, với hình thức nuôi bán thâm canh mật độ nuôi từ 80 – 100 con/m2, thức ăn cho tôm phù hợp theo độ tuổi phát triển của tôm.
Do phải đảm bảo nhu cầu oxy hòa tan trong suốt quá trình nuôi, nên ao nuôi và trang thiết bị cần thiết cũng phải đáp ứng yêu cầu nhằm đảm bảo tỉ lệ thành công trong quá trình sản xuất.
Được biết đến là người đầu tiên trên địa bàn huyện Kim Động thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở môi trường nước ngọt, ông Chiến đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm với bà con nông dân trong và ngoài tỉnh khi họ tới tham quan, học hỏi.
Anh Nguyễn Đức Quân quê ở tỉnh Hà Nam cho biết: “Tôi cũng đã tìm hiểu mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt ở một số địa phương và được biết đến ông Chiến ở Kim Động, Hưng Yên. Khi đến đây thấy mô hình nuôi tôm của ông Chiến có nhiều điều để tôi học hỏi. Ông đã nhiệt tình hướng dẫn tôi để tôi bước đầu nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả….”
Với niềm đam mê, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã giúp ông Chiến bước đầu thu hoạch được những thành quả khả quan. Theo tính toán của ông với diện tích 0,5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, một năm có thể nuôi 3 lứa, cho thu lãi gần 1 tỷ đồng. Đây sẽ là một hướng đi mới cho các hộ dân trong vùng.