Bà Rịa – Vũng Tàu: Thời tiết cực đoan, người nuôi cẩn trọng thả tôm vụ mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài xen kẽ mưa trái mùa, nhiều hộ nuôi tôm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quyết định tạm ngưng thả giống vụ mới để chờ điều kiện môi trường ổn định hơn.

Tại các vùng nuôi trọng điểm như Long Đất và TP. Bà Rịa, nhiều hộ đã thu hoạch tôm cách đây hơn một tháng nhưng đến nay vẫn chưa tái thả nuôi. Nguyên nhân chính là do môi trường ao nuôi biến động mạnh, dễ phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như EHP (vi bào tử trùng), hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng…

Thực tế cho thấy, một số trang trại quy mô lớn trong khu vực từng có kinh nghiệm dày dặn nhưng vẫn bị thiệt hại nặng khi thả giống sớm, do tôm nhiễm bệnh EHP và chết hàng loạt chỉ sau vài tuần. Những trường hợp này là lời cảnh báo để người nuôi chủ động điều chỉnh lịch thả giống, tránh rủi ro và thiệt hại về kinh tế.

Theo kết quả quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, một số chỉ số như pH, độ kiềm, NH4-N, NO2-N và COD đã vượt ngưỡng cho phép, phản ánh sự suy giảm chất lượng nước ao. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh nếu thả giống không đúng thời điểm hoặc không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường giám sát dịch tễ, chủ động cảnh báo môi trường, kiểm soát vùng nuôi, đặc biệt tại các địa bàn có mật độ nuôi cao.

Để hạn chế rủi ro và thiệt hại trong vụ nuôi mới, người nuôi tôm cần lưu ý:

  • Chỉ thả giống khi thời tiết ổn định, nhiệt độ nước dưới 30°C (vào sáng sớm hoặc chiều mát), mật độ thả phù hợp theo hình thức nuôi.
  • Ương tôm giống kỹ trước khi thả nuôi thương phẩm, sử dụng con giống rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch.
  • Duy trì mực nước ao trên 1,5 m, tăng cường ôxy bằng quạt nước, máy sục khí, đặc biệt trong khung giờ từ 10 – 18 giờ và ban đêm.
  • Nếu có điều kiện, nên che phủ mặt ao bằng lưới lan hoặc giàn dây leo để hạn chế bức xạ mặt trời, giảm sốc nhiệt cho tôm.
  • Thay nước định kỳ 15 – 20% bằng phương pháp phun mưa nhẹ (nên thực hiện vào buổi sáng).
  • Tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh, bổ sung khoáng chất và vitamin vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng cho tôm.
  • Theo dõi sát diễn biến môi trường, chủ động thu hoạch hoặc san thưa mật độ khi ao thiếu nước, hạn hán hoặc xâm nhập mặn xảy ra.

Trong điều kiện thời tiết cực đoan, thận trọng là yếu tố then chốt để bảo toàn năng suất và tránh rủi ro không đáng có. Việc chuẩn bị ao nuôi kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ môi trường và chọn thời điểm thả giống hợp lý sẽ là yếu tố quyết định cho một vụ nuôi thành công trong năm 2025.

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!