Từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao làm cho người chăn nuôi đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Trước tình cảnh này, nhiều hộ chỉ cho gia súc, gia cầm, cá… ăn cầm chừng và trông chờ hỗ trợ từ ngành chức năng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp), cho biết trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá cá tra dao động từ 18.000 – 18.500 đồng/kg và hiện tại là 21.000 – 21.500 đồng/kg. Dù giá cá da trơn xuất bán có cao hơn trước nhưng với giá bán này thì người nuôi cá tra chắc chắn sẽ không có lời. Bởi từ cuối năm 2020 đến nay thức ăn cho cá liên tục 4 lần tăng giá 1.000 đồng/kg, trong khi đó giá cá tra xuất bán tăng không nhiều khiến bà con nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Mặt khác, thời gian nuôi kéo dài sẽ kéo theo lượng thức ăn dùng cho cá tra cũng tăng lên từng ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, nếu xuất bán thì nông dân sẽ lỗ từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. “Với 300.000 con cá tra khoảng 5 tháng tuổi, mỗi ngày tốn khoảng 1,5 tấn thức ăn, trong khi giá thức ăn đang tăng hơn 1.000 đồng/kg. Trước tình cảnh này, tôi cùng những thành viên trong HTX chỉ cho cá ăn cầm chừng (1 ngày cho ăn 3 ngày nghỉ) để chờ khi giá cao hơn thì mới xuất bán được” – ông Bình nói.
Giá thức ăn tăng cao buộc người nuôi cá tra chỉ cho cá ăn cầm chừng.
Tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều hộ nuôi heo, gia cầm cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng vì giá thức ăn tăng cao. Ông Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, than thở: “Giá thức ăn liên tục tăng nhanh khiến người chăn nuôi đứng bên bờ vực thua lỗ. Nhất là đàn gia cầm đến thời điểm xuất bán nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra, trong khi giá thức ăn tăng mạnh buộc phải cho ăn cầm chừng để chờ giá lên”.
Ông Dương Quốc Hùng, Chủ đại lý thức ăn gia súc, gia cầm, cá tại xã Mỹ An, huyện Mang Thít, cũng rơi vào cảnh khó khăn tương tự. Thức ăn liên tục tăng, hầu như những hộ chăn nuôi đều gặp khó, kéo theo các đại lý bán thức ăn cũng điêu đứng vì khoản nợ bán thiếu cho nông dân trước đó. Theo ông Hùng, khoảng tháng 11-2020 đến nay, giá thức ăn gia súc, gia cầm đã tăng đến lần thứ 5 mà vẫn chưa có tín hiệu giảm xuống. Trong khi chờ đợi ngành chức năng, người chăn nuôi tự tìm giải pháp cho riêng mình. Khó khăn lớn nhất vẫn là giá thức ăn và giá bán ra. “Ðể heo “đủ tuổi” đạt 100 kg, trung bình người chăn nuôi tiêu tốn khoảng 4 triệu đồng tiền thức ăn. Chưa kể tiền đầu tư con giống 2,5 triệu đồng, chuồng trại, thuốc thú y… nhưng giá thức ăn đang tăng giá như hiện nay thì người chăn nuôi chắc chắn không có lời” – ông Hùng khẳng định.
Vừa buôn bán thức ăn gia súc, gia cầm, ông Hùng cũng đầu tư nuôi 400 con vịt xiêm Pháp nhưng đang cầm chắc thua lỗ bởi giá bán hiện chỉ 45.000 đồng/kg mà người mua thì từng đợt nhỏ lẻ chỉ vài chục con. “Số vịt nuôi chờ bán còn lại cũng cần cho ăn mỗi ngày nên chi phí tiếp tục tăng lên” – ông Hùng nói.
Về nguyên nhân thức ăn chăn nuôi tăng cao, anh Nguyễn Hoàng Tú, nhân viên Công ty TNHH De Heus, chia sẻ, do lượng nguyên liệu nhập từ nước ngoài tăng, từ đó kéo theo giá bán thức ăn thành phẩm đến tay người chăn nuôi cũng phải tăng theo. Người chăn nuôi rất cần sự tham gia của ngành chức năng điều tiết thị trường, hỗ trợ kịp thời trước khó khăn này …