T2, 06/07/2020 09:57

Nửa đầu năm 2012, XK cá ngừ của Việt Nam có tăng?

Chưa có đánh giá về bài viết

Tính đến hết ngày 31/12/2011, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam đạt 379,364 triệu USD, tăng 29,4% so với năm trước. XK cá ngừ sang phần lớn các thị trường đều tăng mạnh về giá trị. So với cùng kỳ năm ngoái, giá XK mặt hàng cá ngừ cũng tăng khá mạnh, trong đó giá XK tăng mạnh nhất tại thị trường Nhật Bản – hơn 100%, giá tại Canađa, Ixraen, Mỹ, Thụy Sỹ… cũng tăng từ 30% trở lên.

Tuy nhiên, giá tại thị trường Iran, Đài Loan, Đức lại tăng chậm. Cho đến cuối tháng 11/2011, giá XK tại thị trường EU ảm đạm nhất trong cơ cấu thị trường NK cá ngừ từ Việt Nam.

Một nét đáng lưu ý là trong năm qua, nguồn nguyên liệu cá ngừ đạt tiêu chuẩn không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của DN do kỹ thuật bảo quản sau khai thác phần lớn còn thô sơ. Vì vậy, các DN cá ngừ buộc phải NK nguyên liệu để giảm áp lực về nguồn cung ở trong nước. Tuy nhiên, những thủ tục NK nguyên liệu cho chế biến lại quá phức tạp, khiến các DN cá ngừ phải "nản lòng"! Khi NK nguyên liệu để chế biến, DN kinh doanh cá ngừ Việt Nam phải hoàn tất nhiều thủ tục và nhiều loại giấy tờ để gửi tới các cơ quan chức năng.

Trong khi, các nhà NK cá ngừ tại Thái Lan và Philippin được chính phủ nước họ tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhằm giảm sức ép về nguồn nguyên liệu nội địa. Nhiều nhà cung cấp chuyển sang hợp tác với các nhà NK Thái Lan, Philippin… vì thủ tục mua bán đơn giản và không phải lo khâu giấy tờ.

 Theo các chuyên gia, thị trường cá ngừ thế giới năm 2011 ở trong tình trạng cung không đủ cầu vì sản lượng khai thác cá ngừ giảm do lệnh cấm khai thác ở một số ngư trường chưa được bãi bỏ và một số nước cắt giảm hạn ngạch khai thác để bảo vệ nguồn lợi cá ngừ. Bước sang năm 2012, tình hình này sẽ vẫn tiếp tục được duy trì, do đó giá cá ngừ năm 2012 trên thị trường thế giới cũng sẽ vẫn ở mức cao.

Nửa đầu năm 2012, XK cá ngừ của Việt Nam có tăng?

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung và cá ngừ nói riêng tại Châu Âu và Châu Á trong thời gian tới sẽ tăng do dân số tăng, quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc nâng cao nhận thức về lợi ích của thủy sản đối với sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, với tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay, nhất là cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở nhiều nước Châu Âu, người tiêu dùng sẽ phải thắt chặt chi tiêu hơn. Do đó, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng cá ngừ cao cấp cho dù vẫn tăng nhưng có thể chỉ ở mức thấp.

Năm 2011, Mỹ lại một lần nữa vượt lên trên EU để trở thành thị trường NK cá ngừ lớn nhất và ổn định nhất của Việt Nam. Trong năm qua, giá trị XK cá ngừ sang thị trường này đạt 171,37 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2010. Năm 2012, do việc hạn chế NK cá ngừ từ Mêhicô vẫn còn hiệu lực nên thị trường Mỹ sẽ phải tăng cường NK cá ngừ từ các nước Châu Á để bù đắp cho nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Dự báo, nhu cầu NK của thị trường này vẫn sẽ tăng và Mỹ vẫn sẽ là thị trường NK cá ngừ chủ lực của Việt Nam.

Thị trường Nhật Bản có mức độ tăng trưởng về giá trị NK cá ngừ lên tới 3 con số vào thời điểm cuối năm vừa qua cũng vẫn sẽ tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm nay. Tại đất nước “Mặt trời mọc” này, DN XK cá ngừ của Việt Nam cũng vẫn sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với Dn của các nước khác trong khu vực.

Bước sang năm 2012, theo tin từ các địa phương cho biết, ngư dân ở các tỉnh trọng điểm khai thác cá ngừ đã trúng lớn ngay đầu mùa vụ đánh bắt cá ngừ đại dương, Tuy nhiên, cá ngừ đại dương là đối tượng chịu sự chi phối, điều chỉnh của Hiệp định về đàn cá di cư quốc tế, nằm trong Công ước về Luật Biển quốc tế. Khi cá di cư đến vùng biển Việt Nam, việc đánh bắt sẽ chịu sự điều chỉnh của Ủy ban Nghề cá Trung – Tây Thái Bình Dương (WCPFC). Hiện nay, tất cả các vùng biển khai thác cá ngừ đã được các tổ chức quốc tế quản lý chặt chẽ, trong khi nước ta chưa phải là thành viên chính thức của WCPFC.

Do vậy, ngư dân và các DN Việt Nam đã và đang vấp phải rào cản về đánh bắt và XK sản phẩm đến một số thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã ra tuyên bố cấm đánh bắt cá ở các ngư trường quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đang tranh chấp với chúng ta. Vì lẽ đó, ngư trường đánh bắt cá ngừ của ngư dân Việt Nam sẽ bị giới hạn, dẫn đến hạn chế về gia tăng sản lượng khai thác.

Giải pháp đưa ra cho các DN chuyên mua gom XK cá ngừ đại dương là cần đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh trữ hàng, tổ chức tàu lớn thu mua sản phẩm cá ngừ kịp thời và cung ứng các nhu yếu phẩm cho ngư dân ngay trên biển để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho mỗi chuyến biển. Để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, các DN tập trung mở rộng thị trường XK thông qua đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước ngoài, tìm kiếm thêm thị trường và quảng bá giới thiệu rộng rãi sản phẩm. Việt Nam cũng cần sớm trở thành thành viên đầy đủ của WCPFC, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương của các tỉnh.

Có như vậy, năm 2012 này chúng ta mới hy vọng đẩy mạnh được XK cá ngừ sang các thị trường. Và dự báo trong 6 tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng và sẽ có thêm một số thị trường NK mới.

NVH

Theo VASEP

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!