Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (gồm 28 nước thành viên) và cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU.
Khách du lịch thăm quan một cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc. Ảnh: Anh Vinh.
Với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” được bảo hộ tại EU, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng mới được phân phối vào thị trường EU với tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”. Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng và chính hiệu, giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái Nước mắm Phú Quốc tại thị trường Liên minh châu Âu.
Mất 6 năm trời, nước mắm Phú Quốc mới được EU chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thành tựu quan trọng này đạt được nhờ nỗ lực của các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương. Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc vui mừng cho biết, sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã đạt được nhiều kết quả. Nhận thức của DN và người tiêu dùng cũng nâng lên rõ rệt.
Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ, số lượng sản phẩm nước mắm bán ra tại thị trường này đạt gần 500.000 lít. Không chỉ tăng số lượng, với tên gọi xuất xứ được bảo hộ này thì giá bán của sản phẩm Phú Quốc theo chứng nhận của cơ quan hữu quan Việt Nam đã tăng từ 30-50% tùy từng loại sản phẩm khác nhau. Cũng nhờ đó mà DN Việt Nam có cơ hội tăng XK sang các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada. Dự báo, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU có hiệu lực vào năm 2018, EU sẽ đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Theo đó, ngoài nước mắm Phú Quốc, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như cà phê, chè… sẽ có thêm cơ hội để khai thác hưởng lợi từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Như vậy, chỉ dẫn địa lý không chỉ là “giấy thông hành” để các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính như EU mà còn là công cụ để bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng, thị trường, là cơ sở để hạn chế tình trạng sử dụng thương hiệu giả, nhái, tăng tính cạnh tranh so với các sản phẩm thông thường. Do đó, việc các mở rộng các sản phẩm, đặc biệt là nông sản hướng tới đăng ký chỉ dẫn địa lý đang là hướng đi đúng đắn để gia tăng cơ hội XK sang EU. Bà Lê Thị Thu Hà, Đại học Ngoại thương nhìn nhận: “Quá trình xây dựng một bộ hồ sơ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc khó khăn bao nhiêu thì cơ hội để sản phẩm này tiếp cận được EU lớn đến bây nhiêu. Vì thế, chúng ta cần có chiến lược bài bản để khai thác, tận dụng cơ hội này”.
Tuy vậy, để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, trước một thị trường khó tính như EU, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các nước châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị XK vào thị trường rộng lớn này.