THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T2, 06/07/2020 10:34

Nước mắt cá hồi

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi cá nước lạnh là một nghề mới xuất hiện ở một số tỉnh miền núi chừng hai chục năm nay. Những cơ sở nuôi cá nước lạnh nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, chỉ một trận lũ quét hay sạt lở đất là toàn bộ hệ thống ao nuôi bị thổi bay. Nuôi cá nước lạnh như đánh bạc với trời, gần đây việc nhập lậu cá Trung Quốc khiến người nuôi cá nước lạnh càng lao đao. Nước mắt của người nuôi cá thay cho nước mắt con cá hồi…

Tan tành sau trận lũ đá

Trận lũ đá xảy ra đêm 4/9/2013 tại thôn Can Hồ A xã Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) đã gần hai chục ngày nay, mặc dù các lực lượng cứu hộ của tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa ra sức giúp đỡ người dân tu sửa lại nhà cửa, dọn dẹp đất đá, cây cối… nhưng cảnh tan hoang, tanh bành khu vực trung tâm xã thì chưa biết bao giờ mới khắc phục nổi.

Dọc con đường cạnh trụ sở UBND xã và trước cửa Phòng khám trung tâm cụm xã Bản Khoang đất đá còn ngổn ngang. Những tảng đá to bằng nửa gian nhà vẫn nằm chềnh ềnh khắp lối đi, cây cối và rác rưởi còn mắc khắp nơi, lòng suối sau trận lũ đá rộng hoắc, đá trơ ra trắng nhởn như miệng con cá sấu khổng lồ. Dòng nước đục lờ nhờ như máu từ lòng núi tuôn ra xiết vào các tảng đá ầm ào như tiếng thở than.

Trại chuyên sản xuất cá hồi, cá tầm của HTX Can Hồ với hệ thống ao, gồm 7 ao nuôi cá thịt, 5 ao ấp nở cá con cùng hệ thống dẫn nước bị lũ tàn phá tan hoang. Hơn chục ngày nay, Nguyễn Văn Lũy, chủ trại cá hồi Can Hồ, như người mất hồn, toàn bộ sản nghiệp của gia đình anh và những xã viên hùn vốn xây dựng ngót chục tỷ đồng bỗng chốc tan tành như bọt bóng xà phòng sau một đêm lũ đá.

Toàn bộ hệ thống ao nuôi cá nước lạnh của HTX Can Hồ sau trận lũ đá

Khi tôi đến anh đang lúi húi dọn dẹp cây cối từ trên rừng trút xuống chất đầy các ao cá, nhiều cây cổ thụ to bằng cả người ôm thân vỡ toác nằm ngổn ngang khắp nơi. Tôi không thể hình dung nổi nơi đây là trại nuôi cá hồi, cá tầm rộng trên 1.200 m2 mặt nước của HTX Can Hồ mỗi năm sản xuất gần 30 tấn cá nước lạnh giờ chỉ còn là bãi đá khổng lồ. Dấu vết của trại cá còn lại là những thành bể dày chừng nửa mét cùng những ống dẫn nước to nhỏ khác nhau, cái bằng cổ chân, cái bằng bắp đùi bị đá đập vỡ nát tơ tướp.

Cây cối còn ngổn ngang trên diện tích ao nuôi

Lũy cúi xuống một tảng đá cao quá đầu người, dưới chân tảng đá là ống dẫn nước và nền ao làm bằng xi măng trên phủ lớp vải bạt để chống thấm, anh lắc đầu cay đắng: Đến bây giờ tôi vẫn không tin nổi sự việc lại diễn ra nhanh đến như vậy.

Đêm ấy, tôi vừa lên giường, ngoài trời mưa vẫn to lắm, sống ở đây ngót hai chục năm trời nhiều năm mưa rất lớn, dòng suối Can Hồ nước vẫn trong veo. Tôi chưa kịp chợp mắt, chợt nghe như tiếng cựa mình của núi phía thượng nguồn dòng Can Hồ, khiến đất dưới chân mình rùng lên rất mạnh, tiếp theo đó là tiếng đá lăn, cây đổ, tiếng nước chảy xiết vào lòng đất ầm ầm ghê rợn. Có một tiếng đập rất mạnh vào cửa nhà, tôi giật mình trở dậy vội ra mở cửa, một cây lớn to bằng hai người ôm chẹt cứng lối ra vào, điện chập loé sáng rồi phụt tắt, trời tối om dòng nước đen ngòm không biết từ đâu ồ ạt đổ vào nhà. Tôi vội vớ lấy cái đèn pin chạy ra phía chòi canh cá rộng chừng 20 m2, chòi là ngôi nhà sàn phía trên người ngủ, phía dưới làm kho chứa thức ăn nuôi cá. Tôi quét đèn pin về phía chòi, nhưng chẳng thấy gì, tất cả trống hoác, đất đá và cây cối đang cuồn cuộn chảy về phía tôi.

Đáy ao nuôi cá hồi trơ lại chiếc ống dẫn nước

Biết là chòi đã đổ, người ngủ trên chòi là anh Nông Văn Thái, người làm công cho HTX được 4 năm rồi. Tôi bám vào hàng rào vượt lên dòng thác lũ kêu mọi người tới cứu. Anh Nông Văn Thái ngủ trên chòi bị hất tung ra khỏi chòi đang lóp ngóp trong dòng thác lũ, tôi vội kéo lên dìu anh vào nhà. Lúc đó nước và đá bủa vây quanh ngôi nhà tôi, con đường trước cửa như một dòng suối đất đá cuồn cuộn chảy, tôi soi đèn pin về phía các ao nuôi cá xây dọc bờ suối Can Hồ, không còn nhận ra những vuông ao, tất cả đã chìm nghỉm trong dòng lũ đá đen sì chảy như xé lòng đất. Tiếng kêu la của những người hàng xóm chìm trong tiếng thác đổ, tiếng đá lăn rung chuyển mặt đất…

Suốt đêm ấy Lũy và những người thôn Can Hồ A không ai ngủ được, sáng ra một cảnh tượng tan hoang, tất cả mọi vật dọc con đường đi của dòng lũ đá đều bị cuốn trôi, hoặc bị tàn phá tanh bành. Toàn bộ hệ thống ao nuôi cá hồi của HTX Can Hồ bị đất đá và cây cối phủ kín, dòng lũ khoét sâu cào tung cả đáy ao không còn nhận ra hình thù gì nữa. Hơn 25 tấn cá hồi, cá tầm mà Luỹ đang vỗ béo chờ xuất bán, trong đó cá tầm khoảng 10 tấn, nhiều con to 15 – 20 kg, cá hồi hơn 15 tấn, sau một trận lũ tất cả hơn hai chục tấn cá đổ ra sông ra bể. Trời đã cướp sạch của cải của Lũy và 6 hộ xã viên tích cóp cả chục năm trời.

Những giọt nước mắt của những người nuôi cá hồi không chảy ra ngoài mà lặn vào trong. Nguyễn Văn Lũy kể lại con đường đến với việc nuôi cá hồi của mình như một cái duyên không hẹn trước. Đó là năm 1996, sau khi học xong cấp 3, gia đình có 4 anh em trai, nhà lại nghèo không đủ tiền nuôi các con học đại học, Lũy rời Phủ Lý (Nam Hà) lên Sa Pa làm thợ mộc đóng bàn ghế, giường tủ cho bà con nhân dân xã Bản Khoang.

Mọi người quý anh như con em mình, tại đây anh gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngàn, giáo viên trường tiểu học Bản Khoang I, họ yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ. Họ dựng một ngôi nhà nhỏ ngay cạnh đường lên trụ sở UBND xã Bản Khoang, ngày ngày vợ đến trường dạy học, anh ở nhà cọc cạnh đóng bàn ghế, sau 10 năm xây dựng với đồng lương ít ỏi của vợ cộng với số tiền kiếm được, năm 2006 Lũy xin cấp đất xây bể nuôi cá nước lạnh. Bởi nguồn nước lạnh từ suối Can Hồ chảy từ trên rừng xanh xuống hầu như chẳng bao giờ cạn.

Bắt đầu từ một bể nuôi cá rộng chừng vài chục mét vuông, cá nuôi được phải bán qua tay người khác. Mỗi năm tích cóp được đồng nào Lũy đều đổ vào nuôi cá, nuôi cá nước lạnh cần rất nhiều vốn, anh mới kêu gọi những người bạn ở thị trấn Sa Pa hùn vốn vào thành lập HTX. Chỉ tính riêng việc đầu tư vào ao nuôi, ao ấp nở trứng khoảng 5 tỷ đồng. Mỗi năm sản xuất gần ba chục tấn cá, mỗi tháng Lũy xuất bản từ 900 kg đến 1 tấn cá cho các nhà hàng ở Sa Pa và Lào Cai, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương và 10 – 15 lao động khi đánh bắt và vận chuyển cá.

Năm 2012, cơ bản hoàn thành việc xây dựng hệ thống ao nuôi, mỗi xã viên mới được chia lãi khoảng 200 triệu đồng. Có người đến xin mua lại trại cá hồi với giá 9 tỷ đồng, nhưng anh không bán. Anh nghĩ: Xây dựng cơ bản đã xong rồi, bây giờ là thời kỳ làm ăn có lãi. Ai ngờ trận lũ đá xảy ra đêm 4/9 đã cướp sạch 25 tấn cá trị giá hơn 4 tỷ đồng cùng toàn bộ hệ thống ao nuôi khoảng 5,2 tỷ và nửa tấn cám cá mới mua về để trong kho trị giá 250 triệu, ngót chục tỷ đồng sau một đêm biến thành tro bụi.

Dẫn tôi trở về nhà, ngồi trước mặt tôi, Lũy như người mất hồn, nỗi mất mát quá lớn khiến anh không khóc nổi, gương mặt sạm đen, anh buồn bã: Tôi trở nên tay trắng rồi anh ạ, nhưng không thể sống như thế này mãi được, phải bắt tay vào làm lại từ đầu thôi. Từ hôm qua tôi đã thuê người và máy móc nạo vét đất đá từ hai cái ao nhỏ chưa bị lũ phá hết tu sửa lại để tiếp tục nuôi cá. Lại phải vay mượn bạn bè và ngân hàng, mong sao nhà nước hỗ trợ một phần vốn để những người nuôi cá nước lạnh HTX Can Hồ có thể gượng dậy…

>> Lũy nhìn tôi rưng rưng nước mắt: Tôi bây giờ trở lên tay trắng, hơn 5 tỷ sau một đêm mất sạch. Những hộ xã viên chung vốn cùng tôi nuôi cá hồi họ đều ở thị trấn Sa Pa, chỉ có mình anh Chảo Duần Quẩy là người xã Bản Khoang khi nghe tin trại cá bị lũ quét họ đội mưa vào đây, nhìn cảnh tượng này không ai nói năng gì chỉ thở dài rồi quay đi…

Thái Sinh

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!