Sáng 28-3, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng nước chuyển qua màu hồng tại khu vực cống số 6, xã Tân Hải, Thanh tra Sở TN-MT, Chi cục Môi trường tỉnh phối hợp với Phòng Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành).
Khu vực cống số 6 thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành trở thành hồ chứa nước các nhà máy chế biến hải sản.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 1 cơ sở chế biến hải sản tại đây có hành vi xả thải ra môi trường. Đoàn đã yêu cầu cơ sở này tạm ngưng hoạt động, đồng thời lấy mẫu nước để phân tích. “Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải. Nếu phát hiện cơ sở nào xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm”, ông Linh nói.
Sáng cùng ngày, sau khi nhận được phản ánh của người dân, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND đã xuống kiểm tra thực tế khu vực nước chuyển qua màu hồng tại cống số 6, xã Tân Hải (huyện Tân Thành). Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu ông Trần Đình Khoa cho biết, sau khi ghi nhận thực tế, HĐND tỉnh sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải gây ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đình Khoa khảo sát cống số 6.
Trước đó, người dân gần khu vực cống số 6 phản ánh, thời gian gần đây, nước tại một hồ rộng hàng ngàn m2 phía sau các nhà máy chế biến hải sản chuyển sang màu hồng đậm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. 9 giờ sáng ngày 28-3, có mặt tại hồ nước trên, chúng tôi nhận thấy, nước trong hồ đang dần chuyển thành màu tím và tràn qua cửa chắn của cống số 6 đổ ra sông Chà Và. Dù đã bịt khẩu trang kín nhưng mùi hôi, thối vẫn xộc vào mũi, khiến chúng tôi cảm thấy tức ngực, mắt cay xè. Được biết, đây là hồ để xả lũ về mùa mưa, ngăn mặn xâm lấn đất nông nghiệp cho địa phương, nhưng từ lâu người dân nơi đây vẫn thường gọi là hồ chứa nước thải, bởi ngoài công năng điều tiết thủy lợi, thì hồ này trở thành nguồn chứa nước thải của các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải. Một nhân viên điều tiết cống số 6 cho biết, khi ô nhiễm, nước trong hồ có màu hồng, nặng hơn thì màu tím, vào mùa mưa nước chuyển qua màu đen.
Một cán bộ Chi cục Thủy sản cho biết, Chi cục đã phối hợp với các phòng chuyên môn của TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa thông báo đến các hộ nuôi thủy sản trên sông Chà Và theo dõi thường xuyên môi trường nước, hoạt động của cá trong lồng để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra; tăng cường máy sục khí cung cấp oxy tránh tình trạng để cá bị ngộp; san thưa mật độ cá trong lồng; thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi…
Trong khi đó, một số người dân ở tổ 9, thôn Cát Hải, xã Tân Hải cho hay, trước đây, tại khu vực này cũng xuất hiện tình trạng nước chuyển qua màu hồng. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ kiện giữa các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và và các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải thì nước có đỡ hơn. Thế nhưng, khoảng 3 tuần trở lại đây, nước lại chuyển qua màu hồng.
>> Hiện nay, tại khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và có 257 hộ và 11 DN tham gia nuôi trồng, với khoảng 8.000 lồng. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá bớp, cá chim, cá chẽm. Trong năm 2015 xảy ra 3 đợt cá chết, thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Theo kết luận của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu làm cá chết là do nước thải trong quá trình sản xuất của 14 DN chế biến hải sản ở xã Tân Hải. Do vậy, các hộ dân đã kiện 14 DN đòi bồi thường thiệt hại. Trong năm 2016, xảy ra 2 đợt cá chết, thiệt hại gần 10 tỷ đồng, nguyên nhân là do hoạt động xả thải của một số DN chế biến hải sản. |