Nuôi cá tra, basa để chế biến xuất khẩu không chỉ đòi hỏi về trọng lượng mà còn phải đảm bảo các yêu cầu như thịt cá tra phải trắng, cá không bị nhiễm ký sinh trùng trong thịt…
Cá tra thịt trắng dễ tiêu thụ và giá thường cao hơn cá tra thịt vàng. Có nhiều nguyên nhân làm cho cá tra bị thịt vàng, như: yếu tố di truyền (giống cá thịt vàng); dịch bệnh (bệnh do ký sinh trùng…); yếu tố môi trường (chất lượng nước kém, nhiều khí độc…); thức ăn không phù hợp (chất lượng không đảm bảo, chứa các sắc tố gây vàng thịt…).
Để nuôi cá tra thịt trắng, cần chú ý:
Chọn giống
Phải chọn con giống chất lượng tốt, không bị lai tạp, được sản xuất từ nguồn bố mẹ thuần chủng, nguồn gốc rõ ràng.
Kiểm soát dịch bệnh
Từ khi cải tạo ao, xử lý nước cần đảm bảo môi trường ao nuôi cá được sạch sẽ. Cần tiêu diệt các loại vi khuẩn có trong nguồn nước, như: Aeromonas, Pseudomonas…; các loại nấm, nguyên sinh động vật, vi khuẩn… gây các bệnh lở loét, gan thận mủ, thối vây…
Có thể dùng BKC 800 For Fish, BKC 80%… khi chuẩn bị ao với liều lượng: Pha 0,5 cc/lít nước, phun lên mặt ao hoặc dụng cụ ương cá. Diệt mầm bệnh trong quá trình nuôi: 1 lít/2.500 m3 nước, 2 tuần xử lý 1 lần. Khi cá mắc bệnh, dùng 1 lít/2.000 m3 nước, 3 ngày xử lý 1 lần.
Phòng các bệnh về giun tròn, sán dây ký sinh trong đường ruột cho cá tra, basa bằng HI-KN 03 với liều lượng 0,5 kg (hoặc 1 lít)/10 tấn cá hoặc 500 kg thức ăn. Cho ăn liên tục 4 – 5 ngày, 2 tuần/lần. Trị bệnh dùng với liều lượng 0,5 kg (hoặc 1 lít)/5 – 7 tấn cá nuôi; hoặc 250 – 350 kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày, 2 tuần/lần.
Sử dụng thức ăn hợp lý
Lượng thức ăn cho cá tra, basa tăng dần theo thời gian nuôi. Việc lựa chọn được loại thức ăn có chất lượng tốt, hàm lượng đạm phù hợp không chỉ giúp cá giảm tích mỡ, tăng trưởng nhanh hơn, rút ngắn thời gian nuôi mà còn hạn chế được hiện tượng vàng thịt ở cá do thức ăn kém chất lượng, không đảm bảo gây nên.
Nên sử dụng thức ăn có thành phần protein từ 40% cho giai đoạn cá tra giống (từ 3 – 15 ngày tuổi), sau đó giảm dần xuống 35%, 32%… protein tùy thuộc từng giai đoạn cá.
Khi tự chế biến thức ăn cho cá cần đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào, như: không sử dụng nguyên liệu bị mốc ẩm, cá bị ươn… (sẽ làm cho cá dễ mắc bệnh, cá bị suy dinh dưỡng, thịt sẽ bị vàng).
Thường xuyên bổ sung vitamin, dinh dưỡng vào thức ăn giúp cá phát triển và kháng bệnh tốt hơn.
Quản lý môi trường ao nuôi
Chất thải và khí độc trong ao nuôi cũng là nguyên nhân làm cho cá nuôi chậm phát triển, thịt bị vàng. Trong quá trình nuôi cần sử dụng Zeolite và chế phẩm sinh học để hấp thụ và xử lý chất độc như H2S, NH3…
Người nuôi nên cải tạo ao trước khi thả nuôi – Ảnh: Phan Thanh Cường
Thay nước trong ao nuôi hằng ngày từ 20 – 30% để giảm nồng độ tảo, chất thải, khí độc và tăng cường lượng ôxy hòa tan cho ao nuôi. Thiếu ôxy thường xuyên cũng là nguyên nhân làm cho cá nuôi bị vàng thịt.
Dùng VIME-YUCCA, hòa với nước rồi tạt đều xuống ao cá với liều lượng 1 lít/3.000 – 4.000 m3 nước, 10 – 15 ngày/lần để phòng. Với liều lượng 1 lít/2.000 – 2.500 m3 nước để xử lý khi phát hiện bệnh hoặc đáy ao bị bẩn.
Đề phòng ao nuôi bị thiếu ôxy đột ngột có thể dùng 1 lít YU-MAX/8.000 m3 nước, xử lý định kỳ 1 lít/14.000 m3 nước.
Ngoài những vấn đề trên, người nuôi cần chú ý đến thời điểm nước xoáy (khoảng đầu tháng 5 âm lịch), lúc này nước thường có màu đỏ son, sẽ ảnh hưởng đến màu thịt của cá tra nuôi bè hoặc cá đăng quầng. Vì thế người nuôi nên hạn chế thu hoạch vào thời điểm này.
Những ngày nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước sông trên 29oC và nhiệt độ nước ao nuôi trên 38oC cũng có thể làm cho màu thịt cá tra xấu hơn.
Sách hay “Quy tắc thực hành quản lý tốt hơn cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL, Việt Nam” Là tài liệu được biên soạn dựa trên kết quả Dự án “Xây dựng quy phạm thực hành quản lý tốt hơn cho nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, Việt Nam (001/07VIE)” do Chương trình Phát triển NNNT, Tổ chức phát triển Australia tài trợ. Tài liệu này đã được hiệu đính dựa trên ý kiến đóng góp tại Hội thảo quốc gia về Quy phạm thực hành quản lý tốt hơn (BMP) cho cá tra tổ chức ngày 23 – 24/11/2010 tại thành phố Long Xuyên (An Giang) với sự tham gia của nhiều thành phần liên quan trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra; được phổ biến đến người nuôi nhằm thúc đẩy quá trình ứng dụng BMP vào nghề nuôi cá tra ở Việt Nam. Qua 6 phần của cuốn sách, người nuôi cá tra sẽ nắm bắt được những thông tin chung về BMP; BMP cho trại nuôi thương phẩm; BMP cho trại giống; trại ương cá tra… từ đó áp dụng vào mô hình nuôi để mang lại hiệu quả cao hơn. Tuấn Tú |