An toàn cho người tiêu dùng, môi trường nhưng trước hết không thể không nói đến người nuôi, bởi người nuôi an toàn thì nghề nuôi tôm mới ổn định, phát triển và mới có thể bàn đến những an toàn khác. Gồm an toàn về sức khỏe, về vốn đầu tư, về cuộc sống hiện tại và cả tương lai cho người nuôi tôm.
Những thông tin về tôm bị các thị trường từ chối, xét đến cùng, không hề an toàn cho người nuôi tôm, ngành tôm. Hồi tháng 1, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh với 19 lô hàng của 16 doanh nghiệp nước ta. Trong đó, các lô hàng tôm chiếm 79%.
Tháng 3, tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đến hết tháng 2 đã từ chối nhập khẩu 107 lô tôm, tăng 224% so cùng kỳ năm 2014. Con số này cao nhất trong 10 năm qua. Việt Nam cũng có sản phẩm bị từ chối. Nguyên nhân chính là dư lượng kháng sinh cấm và 75% tôm bị từ chối do Nitrofuran và dư lượng thuốc thú y.
Nuôi tôm an toàn đang đặt ra cấp thiết. Cũng đã nhiều năm kêu gọi “nói không với tôm tạp chất”, vấn đề bây giờ là làm. Rất phấn khởi, ở nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều việc làm cụ thể, có kết quả.
Điển hình là Hợp tác xã Hòa Nghĩa ở xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) với 17 thành viên và 53 ha nuôi tôm, chục năm nay không có dịch bệnh. Trước kia nuôi tôm sú, gần đây nuôi tôm chân trắng, Giám đốc Hợp tác xã Tăng Văn Tuối cho biết: “Làm đúng quy trình kỹ thuật”. Cứ 5 – 8 ha có một ao lắng để cấp nước đã xử lý cho ao nuôi tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ở tỉnh Phú Yên, vừa chọn 26 hộ dân ở xã An Cư (Tuy An) để nuôi tôm sú kết hợp cá măng, diện tích 12 ha. Năm ngoái, nơi này nuôi 6,4 ha tôm đất với cá măng và tôm sú với rong câu tại xã An Cư đã thành công. Dự án nhằm thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt trong nuôi thủy sản, bảo vệ tiềm năng ven biển.
Tại xã Định Thành (Đông Hải, Bạc Liêu) ra đời Tổ hợp tác Tiền Phong để liên kết các hộ nuôi tôm với nhà khoa học và doanh nghiệp. Tổ trưởng Võ Ngọc Cẩn chia sẻ, vào Tổ hợp tác nuôi tôm liên kết được hỗ trợ vi sinh nuôi tôm, quy trình kỹ thuật thực hiện tiêu chuẩn VietGAP và bao tiêu con tôm với giá cao hơn thị trường 15.000 – 20.000 đồng/kg. Hiện đã có 119 hộ với 212 ha tham gia.
Cũng ở tỉnh Bạc Liêu, Công ty CP Việt-Úc Bạc Liêu thả tôm giống theo chương trình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, kiểm soát tốt con tôm từ lúc thả xuống nước đến lúc chế biến, đảm bảo chất lượng cao. Dự án mở ra ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu), 50 ha. Hiện đã hoàn thành 50 ao, còn 216 ao đến tháng 3/2016 hoàn thành. Mật độ thả 200 – 500 con/m2, sản lượng có thể tới 80 tấn/ha và một năm nuôi được 2,5 vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Khái cho biết, trong quý II/2015 Công ty Việt-Úc Bạc Liêu sẽ cùng 5 hộ dân triển khai 5 điểm trình diễn và chuyển giao công nghệ cho người dân để nhân rộng. Một phương thức nuôi tôm tiên tiến, cần đầu tư lớn nhưng tốn ít diện tích, khả năng kiểm soát đảm bảo an toàn rất cao.