Năm 2015, hiện tượng tôm chết vì bệnh hoặc không rõ nguyên nhân trong khoảng 30 – 45 ngày đầu tiên hoặc chậm lớn xảy ra khá phổ biến. Nếu tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh thì tác nhân chủ yếu sẽ liên quan đến cách thức cải tạo ao hoặc quản lý chất lượng nước. Kinh nghiệm thực tiễn đã khẳng định người nuôi tôm sẽ thành công hơn nếu thực hành được nguyên tắc cốt lõi “nuôi tôm là nuôi nước”.
“Nuôi” nước
Để “nuôi” được nước, chúng ta cần hiểu về yêu cầu chất lượng nước ban đầu và diễn biến điển hình của nó trong một vụ nuôi. Hơn nữa, đánh giá chất lượng nước bằng cảm quan chỉ hiệu quả với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm. Nếu mới bắt đầu nuôi, cần thực hiện nghiêm túc các công đoạn trong quá trình cải tạo ao, dự đoán thời điểm có thể xảy ra sự cố và thường xuyên quan trắc các yếu tố môi trường quan trọng trong suốt quá trình nuôi.
Tôm thẻ chân trắng là loài rộng muối. Nhờ vậy chúng được thả nuôi ở cả 3 vùng nước: mặn, lợ và ngọt. Tuy nhiên, độ mặn chỉ là một trong nhiều yếu tố môi trường cần phải kiểm soát. Không phải nguồn nước cấp nào cũng có tính chất tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi tôm. Các yếu tố môi trường cơ bản của nguồn nước ban đầu cần được kiểm tra gồm độ mặn, độ pH, độ kiềm và hàm lượng chất hữu cơ.
+ Độ mặn phù hợp để nuôi tôm thẻ chân trắng dao động 5 – 35‰. Những vùng có độ mặn thấp hơn 5‰ thường có độ kiềm thấp (20 – 60 mg CaCO3/l), khiến pH biến động lớn hoặc không đáp ứng được nhu cầu về khoáng của tôm nuôi. Gặp trường hợp này, người nuôi cần bón vôi, bổ sung thêm khoáng tổng hợp và Kali (K+). Khi cần nâng nhanh độ kiềm trong ao, ví dụ, sau khi tôm lột xác, nên sử dụng NaHCO3. Độ kiềm của nước trong ao cần phải được duy trì ở mức 80 – 120 mg CaCO3/l.
Hình 1: Ao nuôi được cung cấp đủ ôxy hòa tan, sử dụng vi sinh tốt hàng ngày (trên) để duy trì chất lượng nước tốt trong suốt vụ nuôi (dưới) – Ảnh: Hoàng Tùng
+ Để kiểm soát tốt dịch bệnh, độ pH của nước trong ao nuôi tôm nên được duy trì trong khoảng 7,2 – 7,8. Biên độ dao động cực đại trong ngày không quá 0,5. Kinh nghiệm sản xuất trong giai đoạn 2013 – 2015 cho thấy, nếu kiểm soát pH ổn định trong khoảng này, cơ hội thành công rất cao. Để nâng độ pH, người nuôi có thể dùng vôi; để giảm thì đưa mật rỉ đường trực tiếp xuống ao hoặc sục khí với chế phẩm vi sinh tốt khoảng 24 – 36 giờ trước khi sử dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ có hiệu quả tốt nếu ao nuôi được đầu tư đầy đủ hệ thống quạt nước, giúp khuấy đảo và cung cấp đủ ôxy.
+ Hàm lượng chất hữu cơ là yếu tố quan trọng trong môi trường ao nuôi cần được kiểm soát một cách chặt chẽ. Các nguồn nước bị ô nhiễm thường có hàm lượng chất hữu cơ cao, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và sẽ tiêu tốn nhiều ôxy hòa tan. Giải pháp tốt nhất là sử dụng ao lắng.
Khi các chất lơ lửng đã lắng xuống đáy, ta có thể bơm nước vào ao nuôi, chạy quạt liên tục vài ba ngày để các chất hữu cơ hòa tan hoặc chất lơ lửng có kích thước nhỏ có thể phân hủy hoàn toàn rồi hãy xử lý, diệt khuẩn bằng hóa chất. Xử lý nước khi hàm lượng chất hữu cơ còn cao luôn tốn kém hơn và không hiệu quả. Ngoài ra, sau mỗi vụ nuôi, lượng chất hữu cơ tồn tại ở đáy các ao đất là rất lớn. Cần phải cải tạo ao thật kỹ, phơi nắng 3 – 5 tuần để tia cực tím diệt hết khuẩn và các chất hữu cơ được ôxy hóa, phân hủy hoàn toàn. Các cơ sở nuôi tôm thành công đều dành 6 – 8 tuần để cải tạo ao thật kỹ trước khi vào vụ nuôi chính để có thể nuôi liên tục 2 vụ. Thậm chí, có cơ sở lột cả bạt lót đáy ao và bờ ao để vệ sinh và lót lại trước khi tiến hành cấp nước, xử lý và thả tôm giống.
Nếu người nuôi đã cải tạo ao kỹ, làm đúng quy trình, xử lý nước và tạo môi trường thuận lợi (chạy quạt, ủ phân bón và vi sinh để gây màu nước, phát triển thức ăn tự nhiên), ngăn chặn các vật trung gian lây nhiễm mầm bệnh vào ao thì tỷ lệ sống và tốc độ phát triển của tôm nuôi trong tháng đầu tiên thường chỉ phụ thuộc vào chất lượng tôm giống và mức độ chăm sóc mà cụ thể là cách cho ăn và quản lý thức ăn.
Quản lý hàm lượng chất hữu cơ
Ngoại trừ các diễn biến bất thường của thời tiết, hầu hết các sự cố gặp phải trong ao nuôi ở các tháng nuôi thứ 2, 3 và sau đó đều có liên quan đến việc quản lý hàm lượng chất hữu cơ tích lũy trong môi trường.
Ở tháng nuôi đầu, do tổng khối lượng của đàn tôm không lớn nên lượng thức ăn đưa xuống ao không nhiều. Thức ăn, nếu có dư thừa hoặc do tôm đột ngột giảm bắt mồi, cũng khó gây hậu quả nghiêm trọng và sẽ bị phân hủy để trở thành nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển của tảo và các sinh vật khác trong ao. Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển của tôm, lượng thức ăn đưa xuống ao từ tháng thứ 2 trở đi mỗi lúc một nhiều. Nguy cơ ô nhiễm là thường trực do thức ăn thừa, xác lột của tôm, do phân và các chất bài tiết mà tôm thải ra. Môi trường nước trở nên phì dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển, làm cho độ pH biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi. Sau đó, tảo tàn có thể tiêu hao ôxy hòa tan, sản sinh ra các độc tố gây yếu hoặc chết tôm nuôi. Nước mất màu, hàm lượng ôxy hòa tan giảm mạnh, các chất khí độc bùng phát gây stress cho tôm. Lượng chất hữu cơ trong môi trường càng lớn, nguy cơ nhiễm độc NH3, NO2– hay H2S càng cao và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo chu trình chuyển hóa, sau sự cố về tảo, sẽ là sự cố về NH3 hoặc H2S. Tiếp theo sẽ là sự cố về NO2–.
Để kiểm soát lượng chất hữu cơ, trước hết người nuôi cần đầu tư hệ thống quạt nước, sục khí phù hợp và nâng dần công suất lên theo thời gian nuôi. Một ao nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ 150 con/m2 theo thiết kế chuẩn, có diện tích khoảng 1.600 – 2.000 m2, muốn đạt hiệu quả cần được trang bị 4 – 5 giàn quạt nước, có công suất 2 – 3 mã lực/giàn.
Hình 2: Thùng phuy nuôi tăng sinh lợi khuẩn để sử dụng hàng ngày (trái) và tôm nuôi phát triển tốt sau 43 ngày thả trong môi trường giàu ôxy, chất lượng nước được quản lý tốt (phải) – Ảnh: Hoàng Tùng
Trong tháng nuôi đầu tiên, chỉ cần chạy liên tục 1 giàn vào ban ngày và 2 giàn vào ban đêm là đủ. Nhưng từ tháng thứ 2 thì phải chạy liên tục 2 giàn vào ban ngày và toàn bộ vào ban đêm; đồng thời, chuyển sang cho ăn bằng máy tự động để lượng thức ăn đưa vào môi trường duy trì ở mức thấp nhưng liên tục trong ngày. Nếu giám sát tốt (kiểm tra nhá, lặn xem đáy ao) thì sẽ hạn chế được nguy cơ cho ăn thừa. Từ tháng nuôi thứ 3 trở đi, nếu tôm phát triển tốt, lượng tôm trong ao nhiều, thì cần phải bổ sung thêm quạt nước hoặc sục khí đáy, đặc biệt là vào ban đêm hoặc những thời điểm tôm đang lột xác. Giàn quạt cần được bố trí sao cho có thể giúp gom tụ chất thải vào khu vực giữa ao để có thể siphon hết chất thải. Tần suất siphon tăng dần theo thời gian, 5 – 7 ngày/lần ở tháng thứ 1, đến 2 – 3 ngày/lần ở tháng thứ 2 và hàng ngày ở tháng thứ 3.
Tiếp theo, cần sử dụng chế phẩm vi sinh loại tốt hàng ngày để cải thiện tốc độ chuyển hóa của vật chất trong ao, giúp môi trường được sạch và ổn định. Sự phát triển của các lợi khuẩn có trong chế phẩm vi sinh còn ức chế các vi sinh vật gây bệnh. Để giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng, người nuôi cần tìm hiểu và thực hành quy trình nuôi tăng sinh khối lợi khuẩn đơn giản (Hình 2, xem chi tiết ở trang 73 tài liệu “Thực hành nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả, bền vững” của Skretting Vietnam 2015). Lưu ý, hiệu quả của lợi khuẩn chỉ có nếu hàm lượng ôxy hòa tan của nước trong ao được duy trì ở mức cao và môi trường nước được khuấy đảo thường xuyên.
Về cơ bản, người nuôi cần phải dự báo tốt diễn biến của môi trường nước trong ao nuôi hoặc các thay đổi bất thường của thời tiết để có biện pháp can thiệp trước khi sự cố xảy ra hoặc can thiệp kịp thời khi chúng mới nảy sinh. Một khi môi trường nước ao đã trở nên bất lợi thì giải pháp tốt nhất là thay nước, kể cả sử dụng nguồn nước chưa kịp xử lý nếu việc thay nước là khẩn cấp nhằm làm giảm ngay hàm lượng của các chất gây ô nhiễm hoặc mật độ tác nhân gây bệnh. Làm tốt những điều nêu trên và luôn tâm niệm “nuôi tôm là nuôi nước”, chắc chắn thành công sẽ sớm đến và đến nhiều hơn với người nuôi.