Các công ty đến từ lĩnh vực phi ngư nghiệp ở Nhật Bản đang bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh nuôi tôm trên đất liền bằng công nghệ cao với hy vọng sản xuất các mặt hàng đặc sản ở những khu vực xa biển.
Hệ thống ISPS của Tập đoàn IMT Engineering Ảnh: Imteng
Nuôi tôm trên núi
Nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tham gia vào nuôi tôm ngay trên đất liền. Chẳng hạn như tại quận Niigata, Tập đoàn IMT Engineering đã thành công trong việc nuôi 25 tấn tôm thẻ chân trắng mỗi năm nhờ hệ thống nuôi tôm tuần hoàn trong nhà (ISPS). Tập đoàn đang nghĩ đến việc xây dựng một cơ sở mới để thúc đẩy sản xuất. Yukishi Tomita, Chủ tịch Tập đoàn cho biết: “Chúng tôi có thể kiếm lợi nhuận nếu xuất 100 tấn tôm hàng năm. Hệ thống ISPS được cấp bằng sáng chế năm 2007. Công nghệ của chúng tôi không chỉ giới hạn riêng với tôm, mà còn có thể áp dụng cho nuôi trồng thủy sản trên đất liền nói chung”.
Nippon Suisan Kaisha (Nissui), Công ty thủy sản hàng đầu Nhật Bản cũng đang chuẩn bị gia nhập vào phân khúc mới này. Hãng đã mua đất tại quận Kagoshima thuộc tỉnh Kyushu, miền Nam Nhật Bản và đang thực hiện các bài kiểm tra để thương mại hóa. Nissui đặt mục tiêu sản xuất 200 tấn tôm thẻ chân trắng trong vòng 1 – 3 năm.
Không chỉ dừng lại ở công nghệ giúp nuôi tôm ngay tại đất liền mà mới đây Nhật Bản còn tạo ra kỹ thuật mới có tên là Okayama nhằm tạo ra dòng sông và biển nhân tạo cho phép nông dân Campuchia nuôi tôm trên núi vào mùa hè. Dự án được tài trợ bởi Tổ chức viện trợ nước ngoài của Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nhằm giúp nông dân Campuchia giảm chi phí nuôi cùng với tăng thu nhập, tạo hướng đi mới cho nuôi truồng thủy sản trong tương lai.
Công nghệ hiện đại
Kỹ thuật Okayama được nghiên cứu bởi Giáo sư Toshimasa Yamamoto, Trường Đại học Khoa học Okayama. Nước được sử dụng nuôi là nước ngọt pha với hỗn hợp các chất khoáng gồm muối của natri, kali và canxi. Tương lai phát triển nuôi trồng thủy sản không sử dụng hóa chất và biến một thung lũng thành một làng chài. Kỹ thuật mới này giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước biển cũng như điều kiện thời tiết bất lợi. Đây được xem là bước đột phát nhằm phát triền nuôi trồng thủy sản trong tương lai.
Các nhà khoa học và kinh tế học từ lâu đã tin rằng, phát triển nuôi trồng thủy sản trên vùng cao giúp giải quyết được các vấn đề suy dinh dưỡng và nghèo đói. Nông dân chỉ cần dùng khoảng 10 gram khoáng pha với 1 lít nước ngọt để tạo ra nước biển nhân tạo có độ mặn thấp. Hỗn hợp nước này đã được chứng minh là phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Hơn thế nữa chi phí để tạo ra hỗn hợp nước nuôi này chỉ khoảng 10% so với việc sử dụng nước biển nhân tạo truyền thống.
Hiện nay, cũng đã có một số loài thủy sản được nuôi bằng hỗn hợp nước này như cá nóc hổ và cá chình. Thực tế cho thấy, cá nuôi trong hỗn hợp nước do thiếu các tác nhân lây nhiễm mầm bệnh so với môi trường nước nuôi tự nhiên nên hạn chế được khả năng bùng phát dịch bệnh. Hơn thế nữa, cá nuôi trong môi trường nước này cho tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với trong cá nuôi tự nhiên. Cá nóc hổ cho thấy tăng trưởng nhanh hơn 6 – 8 tháng so với cá được nuôi bằng nước biển tự nhiên.
> Giáo sư Toshimasa Yamamoto cho biết: “Nuôi trồng thủy sản nói chung, tôm nói riêng có thể phát triển ở bất cứ đâu, chỉ cần ở đó có điện và nguồn nước, thậm chí ở cả sa mạc và ngoài không gian”. |