Nuôi trồng cá tra bền vững: Thêm kinh nghiệm từ cá hồi Na Uy

Chưa có đánh giá về bài viết

LTS: Tháng 3/2013, ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tham gia đoàn công tác sang Na Uy tìm hiểu việc quản lý cá hồi để xây dựng “Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra”. TSVN trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

Ông Phạm Anh Tuấn (thứ hai từ trái sang), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cùng đoàn công tác thăm trụ sở Hội đồng Điều hành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá hồi tại Na Uy

Toàn cảnh cá hồi Na Uy

Cá hồi được nuôi trong các lồng là một ngành kinh doanh chính trên phần lớn bờ biển rất dài của Na Uy. Công nghệ nuôi lồng phát triển từ năm 1970, đảm bảo an toàn hơn so với trước đó nuôi trong bể trên bờ hoặc nuôi đăng lưới chắn. Một lồng rộng gần 1 ha, sản lượng chừng 1.000 tấn.

Na Uy cũng từng trải qua giai đoạn phát triển tự phát cá hồi, để có lúc giá cá rớt thảm hại, nhiều doanh nghiệp phá sản. Những năm 1970, Na Uy chỉ có 50 doanh nghiệp, nuôi một năm chừng 5.000 tấn. Lúc đó, cá hồi chủ yếu tiêu thụ nội địa, giá cả bấp bênh. Dần dần, cá hồi được ưa chuộng thì có thêm hàng trăm doanh nghiệp ra đời, đến năm 1981 đã có khoảng 800 doanh nghiệp, nuôi sản lượng tới 160.000 tấn, bán đi hơn 100 quốc gia. Đến năm 2000, sản lượng 480.000 tấn, xuất khẩu được 1,72 tỷ USD. Nhưng phát triển quá nóng nên cung vượt cầu, giá rớt thê thảm, năm 2003, sản lượng 600.000 tấn mà kim ngạch xuất khẩu chỉ còn 1,35 tỷ USD. Hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá diễn ra và hàng loạt doanh nghiệp cá hồi của Na Uy phá sản.

Từ thất bại, ngành cá hồi Na Uy được cấu trúc lại. Na Uy thành lập Hội đồng Điều hành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá hồi, với quyền hạn rất lớn để đảm bảo cho ngành cá hồi phát triển có quy hoạch, kế hoạch, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Trước tiên, việc nuôi được cấp phép để đảm bảo số lượng và chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Một giấy phép cấp hạn mức nuôi 780 tấn, lệ phí 2 triệu USD, đóng cho Bộ Thủy sản. Nuôi nhiều hơn thì đóng phí nhiều hơn, nuôi ít thì chia nhau trong hạn mức giấy phép. Doanh nghiệp nào nuôi vượt hạn mức giấy phép thì bị tịch thu phần sản lượng vượt, chính biện pháp mạnh tay này nên Hội đồng kiểm soát sản xuất và xuất khẩu đã điều hành được sản lượng đầu vào và đầu ra.

Các nhà máy mua cá hồi, phải trả ngay cho người nuôi 50% giá trị, còn lại sau 15 ngày trả hết. Nếu nhà máy gặp khó khăn, không trả được tiền cho người nuôi đúng hạn, Hội đồng Điều hành sẽ trả thay, sau đó làm việc với nhà máy để thu lại. Các nhà máy chế biến xuất khẩu phải nộp 0,7% doanh thu cho Hội đồng Điều hành làm kinh phí hoạt động.

Nuôi cá hồi ở Nordreisa, phía bắc Na Uy – Nguồn: Fredhoogervorst.com

Hội đồng Điều hành còn hợp đồng thuê một công ty của Mỹ nghiên cứu, mở rộng thị trường và trực tiếp điều hành việc xuất khẩu. Nhờ vậy, cung cầu luôn đảm bảo cân đối, tránh được các rủi ro thị trường cũng như tranh chấp, kiện tụng. Hội đồng Điều hành hiện có 10 văn phòng đại diện khắp thế giới. Qua đó, chất lượng cá hồi luôn được coi trọng và thương hiệu “cá hồi Na Uy” được giữ gìn.

Nhờ hoạt động bài bản của Hội đồng Điều hành, các doanh nghiệp tạo lập được mối quan hệ trực tiếp giữa người nuôi và khách hàng, làm chủ được thị trường, không ngừng phát triển sản phẩm mới.

 

Nhìn sang cá tra Việt Nam

Trở lại với “Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” mà dự thảo cuối cùng đã hoàn thành, sắp được Chính phủ ban hành, tôi còn băn khoăn mấy vấn đề.

 

Thứ nhất: Về tài chính

Trong dự thảo Nghị định trước đây cho Hiệp hội Cá tra thu phí xuất khẩu 0,7% thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, phí này dùng để lo việc xúc tiến thương mại quảng bá thương hiệu cá tra và một phần cho chi phí hoạt động của Hiệp hội. Nhưng nay việc thu phí này Bộ Tài chính cho rằng sai luật, không biết sai thế nào chứ Na Uy đã thực hiện gần 20 năm rồi và nay vẫn còn duy trì và ngành cá hồi Na Uy phát triển bền vững, người dân từ nuôi đến xuất khẩu đều rất giàu và ổn định.

Việc thu phí ở doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhưng thực chất là thu ở người nông dân nuôi cá và theo thăm dò một số nông dân nuôi cá thì họ đồng tình việc thu này. Vì có phí thì bộ máy mới hoạt động được, mới góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra.

Còn việc vận động thu phí qua nhiều người nuôi và các nhà máy, thì với hiện trạng khó khăn hiện nay không thể thu được. Đây là một vấn đề khó khăn đề nghị Chính phủ và bộ ngành liên quan cần quan tâm.

 

Thứ hai: Về giá sàn

Theo mô hình Na Uy thì hiện nay không còn giá sàn, vì qua trên 10 năm thực hiện nay tất cả đã đi vào nề nếp ổn định nên họ không còn giữ giá sàn nữa. Nhưng đối với Việt Nam, trong điều kiện hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu luôn ép giá người nuôi cá. Giữa doanh nghiệp xuất khẩu với nhau thì cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua tranh bán làm xáo trộn thị trường, một thị trường độc quyền chiếm 95% thị phần mà phải đi chào bán dưới giá sản xuất. Đây là một nghịch lý.

Vì vậy tôi đề nghị phải có giá sàn thu mua nguyên liệu và giá sàn xuất khẩu. Có như vậy mới lập lại trật tự của ngành cá tra Việt Nam.

 

Thứ ba: Thi hành Nghị định

Theo kế hoạch thì Nghị định sẽ được ký ban hành trong tháng 10 năm nay và trong dự thảo cuối cùng có quy định, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Theo tôi, tình hình sản xuất và kinh doanh cá tra hiện rất khó khăn, từ lâu đã mong chờ Nghị định ra đời để có cơ sở pháp lý khẩn trương tháo gỡ khó khăn nên cần thiết, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

>> Ngành cá hồi Na Uy hiện có dưới 100 doanh nghiệp, trong đó 14 doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 80% sản lượng. Hiện, Na Uy nuôi một năm khoảng 1 triệu tấn, xuất khẩu đạt kim ngạch 6 tỷ USD.

Hồ Văn Vàng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!