Những năm qua, các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến nghề nuôi tôm hùm, cá biển ngày càng khó khăn. Để NTTS trên biển đạt hiệu quả, người nuôi cần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường chung, trong đó việc hạn chế rác thải nhựa là rất quan trọng.
Trong những lần đến vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong khảo sát tình hình NTTS bằng lồng bè trên biển, các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trung tâm Khuyến nông quốc gia không khỏi bất ngờ trước hình ảnh lồng bè NTTS san sát, vùng nuôi bị ô nhiễm do rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng quy định. Ở các địa phương ven vịnh Cam Ranh, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải nhựa, túi ni-lông trôi nổi trên mặt biển, theo sóng, gió tấp kín vào ven bờ thành từng lớp dày. Không chỉ vậy, một số người còn xả thẳng ra môi trường vỏ chai thuốc thú y thủy sản, thùng nhựa đã qua sử dụng… Ông Nguyễn Tiến Đạt (phường Cam Phúc Bắc) cho hay, hiện nay, trên khu vực vịnh Cam Ranh có hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm, cá biển san sát. Thế nhưng, nhiều người nuôi không chỉ vứt rác bừa bãi xuống mặt biển, thậm chí khi gặp sự cố còn xả toàn bộ cá chết ra biển, cá tấp đầy bờ làm ô nhiễm vùng nuôi. Ngoài số rác thải nhựa từ NTTS trên các lồng bè còn có một nguồn rác thải nhựa khác xuất phát từ trong bờ cũng bị tấp xuống biển…
Huyện Vạn Ninh có gần 40.000 lồng nuôi thủy sản với khoảng 80% lồng nuôi tôm, 20% lồng nuôi các loại cá biển. Theo ước tính của các hộ nuôi, mỗi ngày, 1 lồng tôm hùm loại 1kg/con tiêu thụ hơn 2,5kg thức ăn tươi; 1 lồng nuôi cá bớp loại 3 – 4kg/con mỗi ngày tiêu thụ hơn 6kg thức ăn tươi. Với lượng thức ăn tươi phục vụ nuôi thủy sản lồng bè lớn kèm theo đó là các túi ni-lông để đựng, nếu không được thu gom đưa vào bờ thì lượng túi ni-lông thải ra biển sẽ rất lớn. “Những năm gần đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vùng nuôi, việc thu gom rác sinh hoạt, túi ni-lông đưa vào bờ được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ xả rác xuống biển, tình trạng túi ni-lông bám vào các lồng nuôi, cản trở lưu thông dòng nước…”, ông Nguyễn Ngọc Trường – Trạm trưởng Trạm Thủy sản Vạn Ninh chia sẻ.
Để giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, trong đó có NTTS bằng lồng bè trên biển, Bộ NN-PTNT đã ban hành kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành Thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030. Đối với trách nhiệm của địa phương, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện trên địa bàn. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan liên quan thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa tại các cảng cá, bến cá, khu tập trung dân cư ven biển…; NTTS phù hợp với điều kiện của địa phương… UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT phổ biến kế hoạch này đến các tổ chức, cá nhân; chủ trì với các đơn vị liên quan tham mưu nội dung triển khai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Theo ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, NTTS trên biển là thế mạnh của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60.600 lồng nuôi tôm hùm, hơn 9.000 lồng nuôi các loài cá biển. Việc kiểm soát được rác thải, nhất là rác thải nhựa trong NTTS trên biển sẽ đảm bảo được môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh trên thủy sản. Thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền để người NTTS hạn chế rác thải nhựa, chi cục sẽ tham mưu Sở NN-PTNT xây dựng thí điểm các mô hình quản lý rác thải nhựa trong sản xuất thủy sản nói chung và NTTS nói riêng. Để hạn chế dịch bệnh trong NTTS, một trong những vấn đề người nuôi cần lưu ý là giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi, tổ chức tốt việc thu gom rác thải vào bờ để xử lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với việc thu gom rác thải trên các lồng bè NTTS, hiện nay có một số vùng nuôi như: Cam Lập (TP. Cam Ranh), vịnh Nha Trang, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh)… người nuôi rất ý thức trong việc giữ gìn môi trường chung. Cụ thể, người nuôi không vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi ra biển mà hàng ngày vệ sinh, đưa rác đến điểm tập kết, sau đó có ghe chuyên chở vào bờ để xử lý. Nhờ đó, môi trường ở những khu vực nuôi này luôn được giữ sạch; thậm chí các hộ nuôi đều tự nguyện đóng góp kinh phí để thuê ghe thu gom, chuyên chở thức ăn thừa, rác thải vào bờ.