Ngành nuôi trồng thủy sản nước ta đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức (trong đó “nóng” nhất tình trạng con giống kém chất lượng), sản xuất manh mún và nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát. Cần gấp rút tháo gỡ khó khăn này, dù muộn.
Còn nhiều trăn trở
Tính đến hết tháng 5 năm 2013, cả nước có 1.425 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 103 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. So với cùng kỳ năm 2012, số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ giảm (bằng 90% số trại năm 2012). Sản lượng giống sản xuất ước trên 23,5 tỷ con giống (tôm sú 15 tỷ, tôm thẻ chân trắng 8,5 tỷ). Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn bị thả nổi khá nhiều, cả số lượng lẫn kích cỡ, “sức khỏe”.
Về cá tra, nhu cầu giống năm 2013 cần từ 1,8 tỷ đến 2 tỷ con. Hiện nay toàn vùng ĐBSCL có gần 200 trại sinh sản cá bột, với trên 4.000 hộ ương cá giống trên diện tích hơn 2.250 ha, tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang. Tuy nhiên, chất lượng giống cá tra đang có dấu hiệu suy thoái, do chất lượng đàn cá bố mẹ không bảo đảm, sinh sản nhiều lần trong năm. Nhiều vấn đề về cận huyết, sắc tố da (da trắng, da hồng), tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống thấp (dưới 12%)… đã làm đàn cá chậm lớn, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm một số loại bệnh phổ biến và nguy hiểm như trắng mang, gan, xuất huyết, gan…
Theo chia sẻ của một cán bộ ngành, chất lượng con giống thấp, thiếu quy hoạch chi tiết nên việc sản xuất giống chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý và thiếu các quy định về tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất giống chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất giống sạch. Việc nhập con giống có nguồn gốc, ghi chép hồ sơ nuôi chưa được thực hiện nên chưa kiểm soát được chất lượng. Do đó, tỷ lệ con giống sống đạt thấp, gây thiệt hại lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, con giống đóng vai trò quan trọng, quyết định đến 80% chất lượng thủy sản. Do vậy, để nâng cao hiệu quả của ngành NTTS cần phải chấn chỉnh hoạt động con giống theo hướng hiệu quả và bền vững cho người nuôi.
Quản lý chưa chặt chẽ
Theo Tổng cục Thủy sản, một trong những nguyên nhân tôm giống kém chất lượng là do sử dụng tôm bố mẹ không đảm bảo chất lượng. Có những cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng được số lượng khá lớn nhưng nhập rất ít tôm bố mẹ. Theo thống kê của Trung tâm Thú y vùng 6, từ tháng 11/2012 đến hết 31/3/2013 cả nước nhập khẩu 67.959 con tôm chân trắng bố mẹ. Sau khi Tổng cục Thủy sản chỉ đạo kiểm tra đàn tôm bố mẹ của các cơ sở thì số lượng xin nhập tăng lên. Có thể hiểu đã có một lượng tôm tự gia hóa được sử dụng làm tôm bố mẹ. Như vậy thì một số lượng lớn tôm thẻ chân trắng bố mẹ các cơ sở đưa vào sản xuất là không kiểm soát được nguồn gốc.
Đầu tư con giống là chiến lược lâu dài, quyết định đến thành quả sản xuất kinh doanh – Ảnh: PTC
Một số cơ sở có quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, công nghệ chưa ổn định, chưa sản xuất được giống sạch bệnh; tôm sú bố mẹ nguồn trong nước khai thác vùng gần bờ chất lượng không cao, tỷ lệ đẻ thấp, không được xét nghiệm bệnh; tôm chân trắng bố mẹ nhập khẩu ở nhiều nơi khác nhau, chất lượng không đồng đều, không rõ nguồn gốc dòng tôm.
Mặt khác, với tôm giống, cung cũng không đủ cầu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có trại giống đạt chuẩn. Tại Cà Mau, mặc dù chiếm tới 40% diện tích nuôi tôm sú cả nước nhưng năm 2012, trong số 819 trại sản xuất giống thì có đến 300 trại nằm ngoài quy hoạch; 50% số trại trong quy hoạch không đạt tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lo ngại nhất là tại nhiều vùng nuôi, do chi phí kiểm dịch quá cao nên nhiều cơ sở bỏ qua công đoạn này, cũng không khai báo, con giống mặc sức trôi nổi trên thị trường và vào cả ao nuôi, khiến nguy cơ dịch bệnh càng tăng cao.
Giải pháp
Theo nhiều chuyên gia, để đảm bảo ngành thủy sản phát triển bền vững, đầu tư con giống là chiến lược lâu dài, quyết định đến thành quả sản xuất, kinh doanh. Do vậy, phải sớm có quy hoạch phát triển trên cơ sở phù hợp điều kiện, lợi thế từng vùng, miền. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống phải dựa trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương theo hướng tăng quyền cho cơ quan quản lý địa phương; trang bị đầy đủ thiết bị máy móc, cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất kỹ thuật để hoạt động có hiệu quả (tránh tình trạng chỉ có văn bản giao nhiệm vụ còn trang thiết bị máy móc không được đầu tư, nhân lực thì thiếu…). Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chuẩn mẫu cho trại giống, chỉ cho phép những cơ sở, cá nhân và tổ chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được hoạt động, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, ảnh hưởng xấu đến chất lượng con giống.
Cùng với đó, Tổng cục Thủy sản và các cục, vụ có liên quan rà soát, chỉnh sửa, bổ sung văn bản quản lý trong nuôi trồng, thú y thủy sản, xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thông tư về quản lý chế phẩm sinh học và sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, khuyến khích nuôi theo VietGAP…
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, cần xây dựng tiêu chuẩn mẫu cho trại giống, cho phép những cơ sở cá nhân và tổ chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được hoạt động, tránh tình trạng phát triển ồ ạt không theo quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, để xử lý những trại giống xây dựng từ trước không đủ tiêu chuẩn, phá vỡ quy hoạch, không bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường…, nên có lộ trình để từng trại giống xây dựng lại hoàn thiện hơn hoặc xóa bỏ…
>> Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Để Thông tư 26 đi vào thực tiễn, thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai các lớp tập huấn cho cán bộ các chi cục, trung tâm. Vấn đề chất lượng tôm bố mẹ nhập ngoại, Tổng cục sẽ đi kiểm tra tại các nước có tôm bố mẹ xuất sang Việt Nam như Thái Lan, Singapore,… Đồng thời, đánh giá lại hiệu quả các Trung tâm giống Quốc gia; kiểm tra nâng cao chất lượng các phòng thí nghiệm, xét nghiệm, xây dựng các phòng thí nghiệm xét nghiệm tham chiếu; tổ chức thường xuyên và trên diện rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản… |