T2, 06/07/2020 09:53

Ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai: Nghề cá chết dần

Chưa có đánh giá về bài viết

Nước sông Đồng Nai ô nhiễm khiến nguồn lợi thủy sản phong phú vốn có trong tự nhiên mất dần theo thời gian. Bên cạnh đó, nhà lồng nuôi cá trên sông cũng điêu đứng vì nạn cá chết hàng loạt liên tục tái diễn.

Lão ngư Trần Định Em (75 tuổi), phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa đã có hơn 60 năm theo nghề đánh cá dọc sông Đồng Nai. Ông kể cách đây chừng 10 năm, sáng sớm và chiều tối mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe cùng nhau giăng đăng, thả lưới ở đoạn sông này.

“Hồi đó đánh bắt nhiều nhưng tôm cá không bao giờ thiếu. Mỗi ngày tôi kiếm được ít nhất cũng phải vài ba chục kg cá, tôm, các ghe khác cũng vậy. Tiền bán cá thu được giúp cả gia đình có cuộc sống khỏe re” – ông Định Em nhớ lại.

Nghề làm đăng đang lụi tàn theo sự ô nhiễm của dòng sông.

 

Gác chèo, xếp lưới, bỏ ghe

Ông Định Em kể trước đây chỉ cần bắt được một con cá lăng, ông đã có trong tay tiền triệu, sống ung dung cả tuần. Nhưng con gần nhất ông bán đã cách đây hơn 5 năm. Từ đó cũng chẳng còn nghe bạn ghe nào bắt được loài cá quý này.

Theo nghiên cứu của Viện Sinh học nhiệt đới, ngoài cá lăng còn có 17 loài cá quý hiếm khác có tại sông Đồng Nai nằm trong Sách đỏ Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Bên cạnh đó, 300 loài cá khác cũng đang suy giảm nhanh chóng khiến nguồn lợi thủy sản bị thu hẹp.

“Nghề chài lưới bây giờ chỉ có lỗ đến lỗ” – ông Nguyễn Dinh, một ngư dân khác khẳng định. Ông Dinh tính toán tiền xăng, tiền sửa chữa lưới, ghe, chi phí mỗi chuyến từ 130.000 – 170.000 đồng, chưa kể sinh hoạt, ăn uống. Mỗi chuyến đi may lắm được khoảng 10kg cá, bán cho thương lái giá trung bình 20.000 – 25.000 đồng, không lỗ là tốt lắm rồi.

“Tui chẳng biết ô nhiễm như thế nào, chỉ thấy nước sông Đồng Nai ngày xưa trong xanh là thế, giờ đục ngầu, bốc mùi mỗi khi triều xuống, con người chịu còn không nổi huống chi là tôm cá. Lưới mới chỉ đánh được khoảng chừng nửa tháng là hư hỏng do mắc rác quá nhiều. Chúng tôi rồi cũng sẽ bỏ nghề” – ông Định Em buồn nói.

Cả phường Thống Nhất hiện chỉ còn chưa đến chục hộ bám trụ với nghề, ông Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch Hội ND phường cho biết.

 

Cõng nợ vì nuôi cá

Khu vực Cù Lao Phố, giáp ranh giữa các phường Thống Nhất, Hiệp Hòa, Tân Mai, Tam Hiệp của TP.Biên Hòa có truyền thống nuôi cá bè nhưng hiện nay hàng trăm lồng đành bỏ không. Trước đây họ nổi tiếng là nơi cung cấp cá cho cả miền Đông Nam Bộ, nay nổi tiếng với những lần cá chết nổi trắng sông. Chi hội Cá bè TP.Biên Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 4 đợt cá chết khiến hàng tấn cá phơi trắng bụng, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Đầu năm 2011, các lồng nuôi khu vực Cù Lao Phố chết hết chỉ sau 1 đêm, thiệt hại gần 40 tấn cá các loại. 70 hộ dân tại đây đã làm đơn kiến nghị cùng những bằng chứng xác thực nộp chính quyền đòi Nhà máy Giấy Tân Mai đóng tại đây bồi thường vì đã xả thải gây chết cá. Tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Anh Nguyễn Huy Tấn, người được mệnh danh “trùm cá” ở đây cũng phải bỏ trống hơn một nửa số lồng anh có.

“Gia đình tôi theo nghề này đã gần 20 năm nhưng cá chết chỉ xuất hiện cách đây khoảng 4 năm. Tình trạng cá chết ngày càng diễn ra thường xuyên. Nuôi con cá phải mất 5 – 7 tháng, vốn liếng, công chăm sóc bỏ ra chỉ mong ngày thu hoạch. Mỗi lần thấy cá chết chúng tôi không khóc mà ứa nước mắt đau đớn” – anh Tấn kể buồn.

Sổ nợ ngân hàng của anh đã lên đến hơn 100 triệu đồng không có khả năng chi trả. Cùng hoàn cảnh với anh Tấn, hàng chục hộ dân đều rơi vào tình cảnh tương tự. Người ít thì nợ 10 triệu, người nhiều thì 50 – 70 triệu, nhiều nữa lên đến 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tài Sang – Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho biết, sản lượng cá nuôi hàng năm của thành phố giảm đáng báo động. Dù làng bè đã được quy hoạch vào một khu vực, đảm bảo các điều kiện nuôi thủy sản nhưng hiện tượng cá chết vẫn diễn ra. Số nợ của các hộ dân đã quá lớn nên các ngân hàng không thể tiếp tục cho vay, Phòng Kinh tế đang nghiên cứu tìm cách khôi phục lại làng nghề dựa theo quy hoạch của thành phố.

Đình Thức

Theo Dân Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!