Nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản đang ở tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Việc tìm hiểu nguyên nhân và có các biện pháp xử lý kịp thời là vô cùng cấp thiết.
Nguyên nhân
Bất cứ một hiện tượng nào làm giảm chất lượng nước đều bị coi là nguyên nhân gây ô nhiễm nước. Ô nhiễm nước trong nuôi trồng thủy sản do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó tác động chính do các hoạt động của con người gây ra như: Váng dầu và chất thải sinh hoạt từ cảng; chất thải sinh hoạt từ những vùng dân cư đô thị; kim loại nặng, hóa chất từ các vùng công nghiệp; chất thải sinh hoạt từ các dịch vụ du lịch giải trí dọc bờ biển; vật chất lơ lửng cao từ quá trình khai khoáng như cát, đá…; chất dinh dưỡng và chất hữu cơ từ ao nuôi thủy sản; thuốc trừ sâu và các chất dinh dưỡng từ hoạt động nông nghiệp; chất thải hữu cơ và hóa chất từ chăn nuôi; vật chất lơ lửng trong ao nuôi nhuyễn thể hay từ lồng bè…
Sử dụng ao lắng là biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường – Ảnh: Hoàng Trong
Ngoài các nguyên nhân nhân tạo, còn có các nguyên nhân do tự nhiên gây ra như ô nhiễm nước do mưa, lũ lụt, bão gió… hoặc các sản phẩm hoạt động sống của sinh vật, kể cả xác chết của chúng… gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước nuôi thủy sản và sức khỏe của các loại nuôi.
Giải pháp
Việc tìm ra những giải pháp toàn diện, hiệu quả và bền vững trong việc hạn chế và phòng tránh ô nhiễm môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là vấn đề vô cùng quan trọng. Để phát triển bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo về môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong việc thực thi Luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Khi môi trường nuôi ngày càng xấu đi, việc lựa chọn các mô hình nuôi an toàn sinh học luôn là giải pháp được đưa ra trước hết. Trong đó, nuôi trồng thủy sản theo mô hình VietGAP, Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh là những mô hình tránh được những tác động do nguồn nước và mang lại hiệu quả. Với các biện pháp kỹ thuật như: đẩy nhanh quy hoạch phát triển vùng nuôi và xử lý chất thải đối với nuôi thâm canh… đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh và các quy chuẩn môi trường quy định; xử lý kỹ nguồn nước trước khi đưa vào ao bằng các ao lắng, lọc; sau khi tháo cạn nước, vét bùn đáy ra khỏi ao thì tiến hành dùng một số chế phẩm sinh học có tác dụng phân hủy chất thải trong ao; nên sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học để quản lý môi trường và dịch bệnh; nuôi với mật độ thưa; sử dụng các thiết bị đo chất lượng để kiểm tra nguồn nước trong suốt quá trình nuôi; tránh cho ăn thừa gây ra hiện tượng “phú dưỡng” trong ao; lắng nghe các cảnh báo về môi trường từ trung tâm quan trắc môi trường, các khuyến cáo của chính quyền địa phương trong quá trình nuôi; Đồng thời, trong quá trình nuôi cần đảm bảo cung cấp đủ ôxy trong nước, bố trí các thiết bị sục khí phù hợp, tăng cường sục khí và tăng ôxy vào nước khi cần thiết nhằm duy trì hô hấp của cá, cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi.
Các chủ đầu tư, người dân canh tác nuôi trồng và chế biến thủy sản phải tập trung đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom tập trung, phân loại hợp lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt, quản lý lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn nguy hại đúng quy định, phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường quy định. Có cảnh quan môi trường đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe người lao động, có bộ phận chuyên trách thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản theo quy định của pháp luật.