(TSVN) – Cá bớp (cá giò) là một loài cá nuôi có tiềm năng kinh tế cao. Cá dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, giá trị cao. Việc đẩy mạnh sản xuất giống đã giúp ổn định nguồn giống chất lượng, thúc đẩy nghề nuôi cá bớp phát triển bền vững.
Cá bớp (tên khoa học: Rachycentron canadum) là một trong những loài cá nuôi biển quan trọng trong phát triển nghề nuôi cá lồng ven biển và hải đảo. Đâу là dòng cá có kích thước lớn và giá trị thương phẩm cao. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ 5 – 10 kg sau một năm nuôi. Thịt cá bớp vừa nhiều lại trắng, có độ béo ngậy, thơm ngon rất cuốn hút, mà lại không có mùi tanh, nên có thể phù hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng khác nhau, dù là trẻ nhỏ hay người lớn. Riêng phần đầu của cá bớp chứa rất nhiều sụn, vừa giòn giòn, dai dai lại vừa bổ dưỡng nên thường được lọc và chế biến thành món ăn hấp dẫn. Cá bớp không có nhiều xương dăm nhỏ nên chỉ cần lọc bỏ lớp xương giữa với những xương lớn ở xung quanh là có thể thưởng thức. Thịt cá chứa một lượng protein khá dồi dào, chất béo ở mức cân đối, giàu omega-3, ít cholesterol mà lại nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết cho con người. Do vậy, cá bớp được rất nhiều người ưa chuộng.
Cá bớp có tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ 5 – 10 kg sau một năm nuôi. Ảnh: CTV
Ở nước ta, cá bớp được nuôi ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. So với tôm hùm, thì cá bớp là một đối tượng nuôi có chi phí đầu tư thấp, lại dễ nuôi, nhanh lớn. Quan trọng là tỷ lệ sống cao hơn các vật nuôi khác và ít rủi ro hơn. Thức ăn cho cá bớp là cá tạp nên cũng dễ cho việc tìm kiếm nguồn thức ăn và quản lý lồng nuôi. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc nuôi cá bớp cũng cao hơn một số loài nuôi lồng khác. Ở một số tỉnh ven biển như Kiên Giang, Vũng Tàu, Khánh Hòa, các khu vực nuôi cá bớp trong lồng bè còn được kết hợp với mô hình du lịch sinh thái, mang lại nhiều giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nuôi và quảng bá du lịch cho địa phương.
Hiện, cá bớp được nuôi phổ biến ở nhiều nơi, nhu cầu con giống vì thế cũng tăng cao qua các năm. Trước đây, người dân chỉ nuôi cá trong lồng trên biển và dựa chủ yếu vào nguồn cá giống khai thác tự nhiên nên gặp nhiều khó khăn về số lượng và chất lượng con giống. Tuy nhiên, từ khi được nghiên cứu và sản xuất giống nhân tạo thành công, nghề nuôi cá bớp ngày một phát triển. Đặc biệt, nhờ quy trình sản xuất giống dần được ổn định và đơn giản hóa nên dễ dàng áp dụng được ở nhiều địa phương.
Người ta đánh bắt, vận chuyển và cho cá bớp bố mẹ thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Cá bớp sẽ sinh sản quanh năm nếu được nuôi dưỡng trong ao có kiểm soát tốt các chỉ tiêu chất lượng nước và thức ăn phù hợp. Trong khoảng thời gian này, cá bớp bố mẹ sẽ sản xuất trên 1,4 triệu trứng mỗi đợt sinh sản, với trung bình 2,5 lít trứng được thụ tinh và tỷ lệ thụ tinh trên 80%. Số lượng trứng chất lượng cao này đủ để hỗ trợ sự phát triển cho các hoạt động nuôi thương phẩm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi cá bớp ngày càng phát triển, hiện nhiều địa phương thực hiện việc ương cá giống cho hiệu quả cao, mạnh nhất là ở tỉnh Khánh Hòa. Tại vùng ven biển xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa), nếu như năm 2015, thời điểm người dân bắt đầu triển khai nghề nuôi, ương cá bớp giống, trên địa bàn chỉ có 6 cơ sở ương cá bớp giống thì đến năm 2020, toàn xã đã có hàng chục cơ sở. Theo nhiều người dân địa phương, cá bớp giống dễ ương, dễ nuôi, cho lãi cao, thị trường tiêu thụ rộng nên người dân trong vùng mạnh dạn đầu tư. Khi đầu ra thuận lợi, mỗi hộ nuôi xuất bán hàng chục nghìn con cá bớp giống, trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng. Đầu tiên, các cơ sở sẽ nhập trứng về ấp nở, sau đó nuôi ương trong ao đến khi cá đạt kích cỡ từ 11 – 12 cm thì xuất bán. Nhiều hộ ương lãi từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm. Theo người dân, cá bớp giống chất lượng có thân thon dài, màu sắc tươi đẹp, cá không tóp bụng, bụng không phềnh to, màu tương đối so với thân và đuôi.
Diệu Châu