Mô hình du lịch Pesca-Tour giúp quảng bá sản phẩm thủy sản địa phương, hút khách du lịch và đem lại thu nhập đáng kể cho ngư dân. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn sử dụng khá nhiều rào cản kỹ thuật để quản lý chặt chẽ mô hình này.
Du khách câu cá, kéo lưới và nấu ăn ngay trên tàu cá của ngư dân Ảnh: EAA
Dù là một mô hình du lịch nhưng Pesca-Tour chỉ được coi là một hoạt động phụ trợ và giúp ngư dân chuyên nghiệp đa dạng nguồn thu. Tại châu Âu, mô hình này góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm thủy sản địa phương bằng cách cho khách du lịch trực tiếp trải nghiệm đời sống cũng như công việc của ngư dân trong vùng; hoặc bằng cách cải thiện hình ảnh hoạt động khai thác thủy sản nói chung. Thực tế, Pesca-Tour là mô hình rất hút khách du lịch tại châu Âu nên khá nhiều hộ ngư dân có đời sống tốt hơn. Ngoài ra, mô hình này cũng thúc đẩy quản lý thủy sản tốt hơn và nâng cao kiến thức về nguồn lợi thủy sản địa phương cho khách du lịch.
Tại châu Âu, có 3 quốc gia đã ban hành luật quản lý hoạt động Pesca-Tour đó là Pháp, Italy và Hy Lạp. Trong đó, Pháp và Italy đã ban hành bộ luật quốc gia còn Hy Lạp mới chỉ xây dựng các điều kiện chứ chưa ban hành quy định cụ thể bằng văn bản luật để ngư dân được cấp phép thực hiện mô hình Pesca-Tour. Tuy nhiên, có một số quốc gia dù chưa ban hành luật quản lý hoạt động Pesca-Tour nhưng đã phát triển mô hình này tại nhiều địa phương như Tây Ban Nha, Luthuania, Latvia, Thụy Điển, Phần Lan…
Hiện, vấn đề an toàn trên tàu đang là mối lo lắng lớn nhất của bất cứ quốc gia nào có ý định phát triển mô hình du lịch Pesca-Tour. Bởi vậy, những điều khoản và điều kiện quy định trong sử dụng mô hình Pesca-Tour bắt buộc phải có đó là kích thước và độ ổn định của tàu; khoảng trống trên tàu phục vụ khách du lịch, khoảng cách từ khách du lịch tới máy móc khai thác hoặc ngư cụ sẵn có trên tàu (lưới), quy định số lượng khách được phép lên tàu tùy theo kích cỡ tàu và số thủy thủ cần thiết trên tàu để phục vụ khách, thiết bị cứu hộ… Thụy Điển là quốc gia quản lý hoạt động Pesca-Tour theo những điều kiện khắt khe nhất như tàu trên 20 tấn và hơn 12 khách du lịch, tàu và thủy thủ trên tàu phải có giấy phép, hoặc chứng nhận đảm bảo khả năng vận hành tàu an toàn, tàu cần phải có đăng ký và bảo hiểm…
>> Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế, ngành du lịch ven biển và đại dương tại châu Âu tạo việc làm cho gần 3,2 triệu lao động, doanh thu 183 tỷ euro trong tổng giá trị gia tăng và chiếm tỷ trọng 1/3 nền kinh tế biển. Lượng khách quốc tế du lịch đến châu Âu đã tăng từ 280 triệu lượt người (năm 1990) lên 500 triệu lượt người (năm 2015). |