T2, 06/07/2020 09:58

Phần II: Hội Nghề cá Việt Nam những dấu mốc lịch sử

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Thập kỷ 80 thế kỷ XX – thập kỷ toàn ngành thủy sản được Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế “tự cân đối, tự trang trải” và là thời kỳ đầu sản phẩm thủy sản Việt Nam được chế biến, xuất khẩu.

Từ 12 triệu USD năm 1980 đến năm 1999 đã tăng lên 971,1 triệu USD. Mặc dù xuất khẩu thủy sản còn nhiều khó khăn song tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta lúc đó là phải phấn đấu đưa sản phẩm xuất khẩu thủy sản thành ngành hàng chiến lược, đưa sản lượng nuôi trồng ngang và vượt sản lượng khai thác…, giá trị xuất khẩu thủy sản phải đạt con số hàng tỷ USD – Đưa kinh tế thủy sản là ngành kinh tế chủ lực trong cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp. Sau đây là những “dấu mốc lịch sử”:

Quyết định số 288.CT ngày 14/11/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép Hiệp hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam thành lập.

Quyết định số 90-CT ngày 21/3/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn việc đổi tên Hiệp hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam thành Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam và phê chuẩn điều lệ của Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam – đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội lần thứ I thông qua ngày 8/9/1989 (ông Võ Văn Kiệt – Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký).

 

Những người nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã có đóng góp lớn vào con số ấn tượng xuất khẩu 6,1 tỷ USD thủy sản năm 2011       

Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Công văn số 3281/TCCB ngày 19/6/1995 của Văn phòng Chính phủ gửi Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam, đồng kính gửi Bộ trưởng Trưởng ban Tổ chức Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý đổi tên Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam thành Hội Nuôi Thủy sản Việt Nam theo đề nghị của Hội Nuôi tôm xuất khẩu Việt Nam tại công văn số 34/HNT ngày 29/5/1995 do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh ký.

Quyết định số 154/TCCP-TC ngày 15/7/1995 của Bộ trưởng Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc công nhận bản điều lệ của Hội Nuôi Thủy sản Việt Nam, được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II thông qua ngày 21/9/1994 (Phó Trưởng ban Tô Tử Hạ ký).

Quyết định số 86-CT ngày 11/3/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cho phép thành lập Hội Nghề cá Việt Nam (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh ký).

Quyết định số 133/TCCT-CT ngày 21/6/1997 của Bộ trưởng – Trưởng ban Tổ chức Cán bộ của Chính phủ về việc công nhận Bản điều lệ của Hội Nghề cá Việt nam đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II thông qua ngày 6/1/1997 (Phó Trưởng ban Tô Tử Hạ ký).

Thể theo nguyện vọng của những người làm nghề cá trong cả nước, thực hiện Nghị quyết số 16 TS/BCS ngày 29/9/1998 của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Thủy sản về việc hợp nhất hai Hội, ngày 16/1/2000, Ban Thường vụ Hội Nuôi thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam và Ban trù bị hợp nhất hai Hội đã họp tại TP.HCM và nhất trí thông qua các văn bản: Đơn xin hợp nhất hai Hội thành Hội Nghề cá Việt Nam; Đề án hợp nhất hai Hội; Điều lệ Hội Nghề cá Việt Nam. Phương hướng hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2000-2004. Gửi BCS Đảng và lãnh đạo Bộ Thủy sản ngày 20/1/2000 (Chủ tịch Hội Nuôi thủy sản Việt Nam Vũ Đình Liệu và Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Huỳnh Công Hòa ký)

Công văn số 644 TS/TCCBLD ngày 13/3/2000 của Bộ Thủy sản gửi Bộ trưởng – Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc hợp nhất Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam (ông Tạ Quang Ngọc – Bộ trưởng Bộ Thủy sản ký).

Quyết định số 188 QĐ/BTS ngày 13/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam về việc công nhận Ban trù bị hợp nhất Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam (ông Tạ Quang Ngọc – Bộ trưởng Bộ Thủy sản ký).

Tờ trình ngày 28/3/2000 của Ban trù bị hợp nhất Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam về việc xin hợp nhất hai Hội gửi Bộ trưởng – Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (ông Nguyễn Việt Thắng – Phó Trưởng ban trù bị hợp nhất hai Hội ký).

Quyết định số 33/2000/QĐ-BTCCBCP ngày 5/5/2000 của Bộ trưởng – Truởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc cho phép hợp nhất Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam thành Hội Nghề cá Việt Nam (Bộ trưởng Trưởng ban – Đỗ Quang Trung ký).

Quyết định số 27/200/QĐ-BTCCBCP ngày 22/5/2001 của Bộ trưởng – Trưởng ban tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc phê duyệt Bản điều lệ của Hội Nghề cá Việt Nam đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc thông qua ngày 31/3/2001 (Đại hội Hợp nhất lần I), (Phó Trưởng ban Thang Văn Phúc ký).

Quyết định số 432 ngày 22/5/2007 của Bộ trưởng Bộ nội vụ về việc phê duyệt điều lệ (sửa đổi) Hội Nghề cá Việt Nam thông qua tại Đại hội Đại biểu lần thứ II ngày 6/1/2007 (Thứ trưởng Đặng Quốc Tiến ký).

 

Hợp nhất vì mục tiêu chung

Nếu lấy quyết định đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Hội thì Hội Nghề cá Việt Nam được tính từ ngày 14/11/1988 và Đại hội nhiệm kỳ 2012-2017 là Đại hội lần thứ III của Hội Nghề cá Việt Nam từ khi hợp nhất.

Thập kỷ 90 thế kỷ trước, hai Hội là  Hội Nuôi thuỷ sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam hoạt động trên 2 lĩnh vực nhưng cùng chung một mục tiêu là tạo ra nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu thuỷ sản ngày càng nhiều, đã góp phần xứng đáng vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu thuỷ sản từ hàng chục triệu USD đến hết thập kỷ 90 – giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã bước vào ngưỡng 1 tỷ USD.

Khi hai Hội được hợp nhất thành Hội Nghề cá Việt Nam (Đại hội hợp nhất lần thứ nhất ngày 31/3/2001), từ đây, sức mạnh được nhân lên, người lao động trong ngành thuỷ sản từ khai thác, nuôi trồng, chế biến, hậu cần, dịch vụ nghề cá đã có một tổ chức xã hội nghề nghiệp và Hội trở thành chỗ dựa đáng tin cậy về tinh thần. Luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên ngư dân, thúc đẩy đàm thoại và đưa tiếng nói, nguyện vọng của ngư dân đến các nhà hoạch định chính sách, góp phần vào điều chỉnh và xây dựng chính sách, đưa nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, từng bước hội nhập quốc tế.

Hội Nghề cá Việt Nam đã thể hiện được vai trò, xứng đáng với niềm tin của hội viên. Từ sau những năm 2000 đến nay, tổng sản lượng thuỷ sản đạt gần 5 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 2,7 triệu tấn.

Đây là con số vượt xa mơ ước của vài chục năm về trước, góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước đứng đầu về xuất khẩu thuỷ sản. Từ gần 1 tỷ USD vào những năm cuối thập kỷ 90, đến nay, cả nước đã đạt trên 6,1 tỷ USD và đang hướng tới con số 7 – 8 tỷ USD trong những năm tiếp theo.

>>  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III – Hội Nghề cá Việt Nam có cơ hội để tự khẳng định mình là tổ chức xã hội nghề nghiệp – là cánh tay đắc lực của ngành thủy sản Việt Nam. Đại hội III là Đại hội có tính chất lịch sử, tạo ra bước ngoặt đột phá với mục tiêu: “Đại hội đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững!”.

Trần Cao Mưu

                Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!