Chợ cá Thanh Trì họp lúc nửa đêm nên những khuôn mặt nơi đây cũng hư mờ sương gió, có thức cùng chợ cá Thanh Trì mới biết rằng cuộc sống về đêm của họ đầy những khốn khó nhưng cũng không thiếu những hạnh phúc nhỏ nhoi.
Nên duyên vợ chồng ở chợ cá
Chợ cá đêm là chợ đầu mối bán buôn chuyên cung cấp cá, tôm, cua, ốc, ngao… để đến sáng các thương lái mang sản phẩm vào Thủ đô giao lại cho các nhà hàng, đại lý cấp 1. Ngày nào cũng như ngày nào, từ lúc 0h trở đi là chợ bắt đầu nhộn nhịp. Tiếng cười, tiếng nói, ngày nắng cũng như ngày mưa, chợ đều họp để đảm bảo việc cung cấp hải sản, thủy sản cho thành phố được liên tục. Lúc chúng tôi đến, những chiếc xe tải đã xếp hàng để chờ chủ đưa hàng lên để lăn bánh vào trung tâm thành phố.
Chợ cá Thanh Trì nhộn nhịp về đêm
Chị Trần Thị Mai (ở Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Chợ cá này trước kia được họp cách đây 1km, do ở đây mở làm đường đôi, rộng hơn nên chợ đã chuyển về cầu Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội. Vì là chợ bán buôn nên mọi giao dịch, bán hàng đều diễn ra nhanh, theo giá chung của chợ, không ai dám phá giá. Nhiều hôm đến 6h mà chưa hết hàng là chúng tôi lại tất tả đem hàng vào các chợ dân sinh bán cho hết. Nhà tôi vất vả lắm, một mình nuôi bốn đứa con và mẹ chồng. Chồng thì mất cách đây 3 năm vì lao phổi rồi…”.
Ngồi lọt thỏm ở một góc chợ cá Thanh Trì, chị Lê Thị Hà (xóm 9, Thôn Yên Ngưu, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Trong lúc cả thành phố đang ngủ ngon thì chúng tôi lại mưu sinh như này là chuyện không đừng được, vì có ai muốn khổ đâu. Học lết lớp 12, không có việc làm, tôi theo mẹ đi chợ làng để bán cá vì gia đình có nghề đánh lưới.
Một lần theo người làng lên chợ huyện, thấy việc bán buôn tôm, cá có vẻ “làm ăn được” nên tôi bàn với mẹ chuyển sang nghề thu mua tôm, cá, cua để bán ‘đổ” cho chợ cá đêm. Từ ngày làm ở đây cũng có đồng ra, đồng vào. Tôi gặp chồng tôi lúc ấy cũng là dân buôn thủy sản ở chợ cá này, quê anh ấy ở Hưng Yên, hàng ngày cũng mang cua ra đây bán buôn cho khách từ Lạng Sơn xuống nên gặp nhau và nên duyên vợ chồng…”.
Chị Lê Thị Hà ở chợ cá
Chị Hà cho biết, hiện nay chị đã có 3 con trai, hàng ngày anh chị dậy từ 0h chở cá để giao hàng cho khách quen ở chợ cá này, nhiều hôm trời mưa, khách hàng lỡ hẹn, 6h anh chị phải lên chợ Long Biên để bán cho các cửa hàng thủy, hải sản. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng có một điểm giống nhau là họ mưu sinh từ lúc nửa đêm. Họ đều mong muốn bán được hàng để kiếm tiền về nuôi gia đình.
Xếp những chậu tôm và cá từ xe ôtô xuống, anh Lê (Khoái Châu, Hưng Yên) tâm sự: “Nhà tôi cách chợ cá 40km, nhưng đêm nào hai vợ chồng cũng dậy từ 0h chạy xe sang Hà Nội để giao hàng cho khách. Một tháng có 30 ngày thì từng ấy thời gian chúng tôi có mặt tại chợ cá Thanh Trì để giao hàng cho khách, nhiều hôm xe hỏng dọc đường vợ tôi phải bắt xe ôm gõ cửa hàng sửa xe quen để nhờ sửa. Mưu sinh lúc nửa đêm cực lắm. Nhiều hôm cả ngày cũng không nhìn thấy mặt con, nhưng vì cuộc sống nên vợ chồng tôi chấp nhận mưu sinh vất vả để con cái đỡ khổ”.
Hiền lành như chợ cá đêm
Chợ cá họp “tranh thủ” về đêm và sống nhờ vào những ánh đèn cao áp nên những người lam lũ lúc nửa đêm ở đây cũng “hiền” tính hơn. Ở chợ không có chuyện đánh chửi nhau, tranh giành hàng, dìm giá. Giá cả ở đây cũng mềm, không nói thách cao như những chợ dân sinh khác. Ngoài việc “sống nhờ” bằng ánh đèn cao áp xung quanh cầu Văn Điển, Hà Nội thì một số người đã thắp sáng hàng của mình bằng ánh đèn compact được cắm từ chiếc ác quy nhỏ, chuyên dụng.
Anh Trần Văn Bằng (Yên Thành, Nghệ An) cho biết: “Tôm, cua, cá của tôi được lấy từ Nghệ An. Ở quê có vợ và các con đi thu mua thủy sản, hải sản rồi đóng hàng đông lạnh chuyển xe ôtô khách ra bến xe Nước ngầm, sau đó anh thuê xe lam ra bến xe lấy hàng để anh kịp bán hàng lúc 2h. Cứ hai ngày một lần, khách từ Bắc Ninh sang lấy hàng để đổ vào chợ hải sản, thủy sản bên đấy…”.
Anh Trần Văn Bằng mưu sinh ở chợ cá
Anh Bằng cho biết, hôm nay anh chỉ có cua mang bán cho khách vì mấy hôm nay vợ anh đi thu mua cá, tôm ở quê mà không được. Cua bán buôn là 75.000 đồng/kg, bán lẻ là 80.000đồng/kg, với giá bán này, anh cũng tằn tiện để gửi tiền về cho vợ con ở quê. Anh cho biết thêm, hải sản ở chợ cá Thanh Trì đang bán được, anh sẽ bàn với vợ xuống Cửa Lò thu mua hải sản để mang ra Hà Nội bán, được đồng nào hay đồng ấy vì hai đứa con nhỏ của anh vẫn đang đi học, cần nhiều tiền để lo cho chúng học hành, ăn uống…”.
Chị Mậu (Xóm 3, Hoàng Liệt, Thanh Trì) cho biết: “Dân ở chợ cá hầu hết là dân tứ xứ về đây buôn bán. Ngoài các huyện phía Nam Hà Nội ra thì ở các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên cũng mang tôm, cá về đây để bán buôn, bán lẻ rất nhiều. Vì là hàng tươi sống nên việc mua bán nhanh chóng, thuận mua vừa bán, không có chuyện trang giành giá hay giành khách như các chợ khác”.
Đặc biệt, chị Mậu cho biết, vì là chợ cá họp lúc nửa đêm nên những người dân trong khu chợ đều coi nhau như anh em, họ giúp đỡ nhau từ việc chia sẻ ảnh sáng đèn compact, bình thở cho cá tươi đến việc bán hàng hộ… Tuy khu chợ sống về đêm, nhưng những tình cảm của họ rất thật, tuy nhà ở xa nhau những khi nhà ai có việc bận như đám cưới, đám giỗ họ sẵn sàng vượt qua mấy chục km để giúp đỡ nhau làm cỗ, tổ chức đám cưới cho con cái bạn. Với họ, cuộc sống có lam lũ nhưng họ vẫn sống với nhau bằng tình cảm chân thật.
Dạo qua chợ cá Thanh Trì và thức cùng thành phố mới biết rằng, cuộc sống về đêm không bao giờ là yên ả. Anh Bằng cho biết, một số người dân quê anh cũng từ Nghệ An ra Hà Nội để mưu sinh mong rằng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn. Ngoài việc bán thủy sản ở chợ cá này, ban ngày họ còn lấy nông sản, rau, củ, quả ở chợ Long Biên để mang về bán ở những chợ cóc dân sinh, để kiếm thêm đồng ra, đồng vào gửi về cho gia đình ở quê.
Anh Trần Văn Lam, ngồi bên cạnh anh Bằng tiếp lời: “Ở quê cũng bán được nhưng nếu lên các chợ lớn, “khát” hải sản, thủy sản như chợ cá này thì mới mong kinh tế khấm khá lên. Ba đứa con nhà tôi thì hai đứa còn đi học, đứa lớn học hết lớp 9 đã bỏ trường, bỏ lớp ra Hà Nội bán cá cùng bố. Cũng vì cuộc sống còn khó khăn nên chúng tôi phải đầu tắt, mặt tối từ nửa đêm như thế này”.
Ngoài những người bán cá ở chợ, thì góp phần không nhỏ vào chợ cá Thanh Trì là những người làm nghề bốc vác hàng lên xe tải, thường là đàn ông từ 35 – 45 tuổi và phụ nữ từ 30 – 40 tuổi. Chị Lê Thị An (Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết: “Công việc của tôi là dạy từ 22h, đạp xe lên chợ cá làm nghề bốc cá thuê từ xe xuống chợ hoặc ngược lại đến 4 – 5h, mỗi ngày kiếm được 70.000 đồng, những ngày ế ẩm chỉ được 30 – 50.000 đồng.
Những người làm nghề bốc vác thường bị các bệnh về xương khớp, đau lưng và đầu gối. Nam giới còn đỡ, chứ phụ nữ thì rất vật vả, nhiều trường hợp phải bỏ nghề giữa chừng vì gặp tai nạn trong quá trình gánh hàng thuê ở chợ cá”.
Nhọc nhằn mưu sinh
Rất nhiều người ở chợ cá đêm Thanh Trì có hoàn cảnh khó khăn, họ bươn chải lo toan không phải vì họ mà là những người thân trong gia đình. Nghề nào cũng vất vả nhưng chứng kiến những con người chân chất, lam lũ nơi chợ cá này mới thấm thía rằng, để kiếm ra đồng tiền chân chính, họ đã đổi những giấc ngủ của mình cho những giấc mơ yên bình của con cái, người thân.