Nhiều chuyên gia nhận định, vai trò của các hiệp hội ngày càng trở nên quan trọng. Bởi việc ra đời của các hiệp hội không chỉ góp phần phát triển chuyên sâu từng ngành hàng, mà tính cộng đồng cũng dần được củng cố.
Nhiều thách thức với các hiệp hội
Ngành cá tra Việt Nam nổi tiếng thế giới nhưng Hiệp hội Cá tra Việt Nam chỉ mới được vài năm tuổi (thành lập ngày 1/3/2013) với đặc điểm là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nuôi, chế biến, xuất khẩu và các hoạt động nghiên cứu, dịch vụ hỗ trợ ngành cá tra Việt Nam, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiệp hội ra đời trong lúc cá tra đi xuống về giá trị lẫn thị trường. Tình trạng manh mún, chồng chéo, tranh mua tranh bán diễn ra phổ biến. Sau hai năm đi vào hoạt động, Hiệp hội đã đóng vai trò cân đối cung cầu, khuyến khích xuất khẩu và kiểm soát chất lượng nuôi trồng. Đại diện cho biết, xuất khẩu cá tra 9 tháng đầu năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã chặn được đà tụt dốc và có dấu hiệu lạc quan.
Thành lập sớm hơn ngành cá tra, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (ra đời ngày 27/11/2010) thời gian qua đã đầu tư nhiều vào việc đổi mới công nghệ. Hiện nay, tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có 2.826 tàu tham gia khai thác cá ngừ, trong đó có 1.872 tàu câu vàng và câu tay, 675 tàu khai thác bằng nghề lưới vây, 279 tàu khai thác bằng nghề lưới rê. Vấn đề mà hiệp hội này gặp phải là sản lượng cá ngừ giảm. Sản lượng đánh bắt cá ngừ của Bình định đạt 4.269 tấn, giảm 3,8% so cùng kỳ năm 2014; Phú Yên đạt 3.243 tấn, giảm 7,5% so cùng kỳ; Khánh Hòa là 2.295 tấn, giảm 3,5% so cùng kỳ. Cùng đó, vấn đề giá giảm cũng khiến Hiệp hội này gặp nhiều khó khăn. Trong đầu năm 2015, giá cá ngừ câu tay có giá 90.000 – 100.000 đồng/kg, giảm 10 – 20% so cùng kỳ năm trước. Giá cá ngừ vằn và một số loại cá ngừ khác giảm gần 30%, giá biến động chỉ 20.000 – 28.000 đồng/kg.
Nuôi cá nước lạnh ở nước ta chưa khai thác hết tiềm năng – Ảnh: Huy Hùng
Cá nước lạnh được đưa vào nuôi ở Việt Nam nhiều trong một thập kỷ qua nhưng hầu như chưa khai thác hết tiềm năng. Cùng đó, mặt hàng này đang chịu nhiều áp lực khi cá nước lạnh được nhập khẩu ồ ạt, điều này đã ảnh hưởng đến quy hoạch và phát triển cá nước lạnh tại các địa phương. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy hoạch cá nước lạnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030; tuy nhiên, để phát huy tiềm năng, sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam cần chú trọng hơn về công tác quản lý, công nghệ sản xuất giống, quản lý môi trường bệnh, giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại…
Cần cơ chế thích hợp
Trước đây ngành thủy sản Việt Nam chủ yếu phát triển theo trục dọc, từ trung ương đến cách tỉnh thành, từ tỉnh thành đến doanh nghiệp, người nuôi, song từ khi các hiệp hội thủy sản ra đời thì mô hình phát triển được mở rộng thêm trục ngang, đó là hiệp hội góp phần tổ chức phát triển ngành với phương diện tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Các doanh nghiệp cho biết khi hiệp hội ra đời thì tính “cát cứ địa phương”, “lợi ích cục bộ địa phương” giảm đi nhiều, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng liên tỉnh, liên vùng phát triển mạnh mẽ.
Hầu hết khách hàng quốc tế đều lựa chọn kênh tiếp xúc với các hiệp hội để liên kết tìm nguồn hàng xuất khẩu cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy vậy, nhiều khách hàng cho rằng vai trò của các hiệp hội ở Việt Nam chưa xứng tầm và chưa tương đương với các hiệp hội ở các nước phát triển. Chẳng hạn các hiệp hội hoàn toàn có quyền kiểm soát chất lượng sản phẩm của thành viên và xử phạt nếu thành viên không đáp ứng được yêu cầu chất lượng chung của hiệp hội. Việc cá tra xuất khẩu bị trả về nhiều trong thời gian gần đây do không đảm bảo chất lượng cho thấy những cảnh báo về việc truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi một số cán bộ hiệp hội cho biết các hiệp hội hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, đơn cử như trụ sở, biên chế, quỹ lương, kinh phí hoạt động còn nhiều hạn chế. Thực chất vai trò của các hiệp hội như Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội cá cảnh Việt Nam… ngày càng hoạt động thực chất và giữ vai trò quan trọng trong việc tạo liên kết ngang, giữa các doanh nghiệp, người nuôi, tạo ra sự thống nhất đồng bộ về sản phẩm và khả năng đáp ứng yêu cầu đơn hàng xuất khẩu lớn. Do vậy, việc chủ động sáng tạo của các hiệp hội sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành, nhất là với cá tra và tôm trong thời gian tới đây.
>> Hiện, Việt Nam chưa ban hành Luật Hiệp hội ngành hàng để tạo hành lang pháp lý cho hiệp hội hoạt động có hiệu quả tốt hơn. Đây chính là những bất cập khiến hoạt động của các hiệp hội trong vai trò đại diện tiếng nói của doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế. |