(TSVN) – Theo Tổng cục Thủy sản, mục tiêu năm 2022, ngành thủy sản cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh theo hướng giảm dần sản lượng hải sản khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng; đồng thời triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển thủy sản bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành khai thác thủy sản trên biển vừa có nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa tham gia khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia. Với tầm quan trọng như vậy, về dài hạn cần có cách tiếp cận tổng thể về “ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường” hướng đến mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành “quốc gia mạnh về biển, giàu về biển”. Phải tổ chức lại hệ sinh thái ngành khai thác, tổ chức lại các thiết chế hợp tác, liên kết trong chuỗi ngành hàng từ hậu cần, đánh bắt, thu mua, chế biến.
Mặt khác, theo nhận định chung, trữ lượng thủy sản có chiều hướng suy giảm, do đó, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định ngành thủy sản phải giảm khai thác, tăng nuôi trồng, tất yếu sẽ phải giảm đội tàu khai thác. Về ổn định lâu dài, có nhiều việc phải làm nhưng trước mắt Bộ NN&PTNT đang khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ đề án chuyển đổi nghề khai thác với các chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân trong diện không tham gia khai thác hải sản.
Cần giảm cường lực khai thác, hướng đến sự bền vững của ngành thủy sản. Ảnh: Như Đồng
Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 (Chương trình) vừa được Thủ tướng phê duyệt nêu ra một số mục tiêu khá cụ thể như: Đến năm 2025, cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu. Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Chương trình, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nội dung đáng chú ý là tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản, các vấn đề đặt ra như cắt giảm sản lượng khai thác, cắt giảm số lượng tàu hay cắt giảm hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi… đều là những định hướng lớn trong Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như trong Quyết định 339/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phải đạt được như mục tiêu đề ra, ngành khai thác thủy sản mới có thể phát triển bền vững. Đây là yêu cầu tối thiểu để có thể hội nhập với xu hướng chung của thế giới.
Giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới là tăng cường đàm phán hợp tác khai thác hải sản với các nước để đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản hợp pháp, phát triển nghề khai thác viễn dương; nghiên cứu tổ chức đưa doanh nghiệp và ngư dân đi hợp tác khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nuôi trồng thủy sản (NTTS) với một số nước; phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế; nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế, ông Trung nhấn mạnh.
Nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh trong NTTS hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình). Chương trình đặt mục tiêu năm 2025, tổng sản lượng NTTS đạt 5,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm. Đến năm 2030, tổng sản lượng NTTS đạt 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị NTTS đạt trung bình trên 4,5%/năm.
Để thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi có thế mạnh cũng như các hình thức nuôi: tôm, cá tra, nhuyễn thể…; nuôi hồ nước, nuôi biển…
Phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ảnh: TTX
Trong lĩnh vực NTTS thì phát triển NTTS trên biển là có tiềm năng, lợi thế rất lớn. Bởi, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn; đối tượng nuôi phong phú như: các loài cá biển có giá trị cao (cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song, cá giò, cá hồng), tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển… Đến năm 2021, diện tích nuôi biển ước đạt 75.000 ha và 8 triệu m3 lồng, sản lượng đạt trên 700.000 tấn.
Theo đó, thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” và “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 4/10/2021 tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu: “Phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc”.
Phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam”; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, “Đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với quan điểm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản, công nghệ phụ trợ (có thức ăn) tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là: Nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển; xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm; xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.
Cùng đó, vừa tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm; tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất; thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.
Hồng Hạnh