(TSVN) – Năm 2023, xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ngành tôm, những bất lợi được dự báo sẽ còn kéo dài và ngày một lớn hơn nếu các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Giải pháp cấp bách hiện nay là các bên cùng vào cuộc để tháo gỡ điểm nghẽn, khắc phục điểm yếu, giúp tăng tính cạnh tranh, củng cố và nâng cao vị thế ngành tôm trên thị trường.
Theo ông Trần Thiện Hải, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Minh Hải, điểm yếu lớn nhất của ngành tôm Việt Nam hiện nay chính là lĩnh vực nuôi. Ông Hải chia sẻ: “Nghề nuôi tôm ở Việt Nam còn rất manh mún. Trong khi đó, nuôi tôm lại là thế mạnh của các nước xung quanh như Ấn Độ, Bangladesh hay Ecuador. Vì vậy, muốn ngành tôm phát triển bền vững, tính cạnh tranh cao trong thời gian tới, chúng ta cần xem xét lại theo hướng đặt vai trò của người nuôi là trọng tâm trong chuỗi giá trị, chứ không phải của người chế biến như từ trước tới nay được”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh cho rằng, về chiến lược lâu dài thì nuôi trồng vẫn là tiêu điểm, là cái gốc của vấn đề. Theo ông Tài, hiện tại cả nước chỉ mới có khoảng 10% các doanh nghiệp lớn, 20% các hộ dân nuôi thành công đầu tư công nghệ cao, còn lại khoảng 70% là các hộ nuôi nhỏ lẻ theo truyền thống. Ông Tài đề xuất: “Chúng ta cần xác định cái gốc vấn đề yếu kém của ngành tôm hiện nay là ở khâu nuôi trồng, để từ đó có giải pháp nâng tỷ lệ nuôi tôm thành công lên cao, nhằm có được sản lượng và giá thành tôm nuôi hợp lý, giúp ngành tôm có tính cạnh tranh ngày một mạnh mẽ hơn”.
Khẳng định thêm vai trò trọng tâm của nuôi trồng đối với sự phát triển của ngành tôm, ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), nhấn mạnh: “Về lâu dài, chúng ta muốn thắng được Ấn Độ và Ecuador, chúng ta cần tập trung ngay vào ngành nuôi từ bây giờ bằng dự án hoặc chiến lược giảm giá thành và ổn định chất lượng”. Còn theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, ngành tôm chỉ có con đường làm sao tập trung giảm giá thành tôm nuôi và nỗ lực tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dung; đồng thời, tập trung thực thi bộ tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Có như vậy mới hy vọng các doanh nghiệp tôm chúng ta thuyết phục được các hệ thống phân phối cao cấp để có được những đơn hàng lớn và dài hạn.
Thật ra, điểm yếu trong khâu nuôi trồng của ngành tôm đã được các doanh nghiệp nói đến khá nhiều. Như ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam từng đưa ra nhận định: “Sự phát triển của ngành tôm trong những năm gần đây là rất tốt, rất ấn tượng, nhưng cũng rất nghịch lý. Nghịch lý ở đây chính là sự phát triển của ngành tôm không dựa trên nền tảng nuôi trồng mà nhờ vào trình độ chế biến. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn, mà về lâu dài nếu không khắc phục được, ngành tôm sẽ rất khó khăn, thậm chí đánh mất vị thế của mình trên thương trường”.
Theo ông Phục, đã đến lúc ngành tôm cần có cuộc cách mạng trong lĩnh vực nuôi để cải thiện giá thành và chất lượng tôm nuôi với người đứng đầu là những chủ doanh nghiệp tôm. Ông Phục lý giải: “Chính chủ doanh nghiệp mới có đủ nguồn lực về nhân lực, tài lực và khoa học công nghệ để có thể làm nên một cuộc cách mạng giảm giá thành, tăng năng suất. Do đó, trong thời gian tới doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ để làm sao có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi. Đây không chỉ là tiền đề để ngành tôm giải quyết được thách thức về mặt giá thành nguyên liệu, mà còn chứng minh cho người mua thấy các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nghiêm túc, vùng nuôi có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”.
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng trong nuôi tôm cần phải xác định rõ vai trò của người nuôi và tỷ trọng nuôi công nghiệp như thế nào. Ông Hải diễn giải thêm: “Khi chúng ta xác định rõ vai trò của người nuôi là trọng tâm trong chuỗi giá trị thì chúng ta mới cùng nhau gây dựng, sắp xếp các vấn đề liên quan, ví dụ như là phát triển nghề nuôi như thế nào, diện tích ra sao, cần có các chính sách hay cơ chế gì của nhà nước để hỗ trợ người nuôi…”. Cũng theo ông Hải: “Không chỉ mỗi VASEP mà cả hệ thống ngành tôm chúng ta cần xem xét rất nhiều vấn đề khi chúng ta xác định được vai trò của người nuôi với các vấn đề như con giống, thức ăn, vốn vay, đất đai…”.
Liên quan đến việc tháo gỡ nút thắt, khắc phục điểm yếu khâu nuôi trồng của ngành tôm, ông Phẩm đề xuất VASEP cần tính tới việc làm thể nào để có thể tăng được sức mạnh, hay có chung tiếng nói với bên phụ trách lĩnh vực nuôi, để tạo liên kết với các hiệp hội nuôi hay chí ít cũng có tiếng nói tác động tới lĩnh vực nuôi tôm. Hơn nữa, bản thân lĩnh vực nuôi và ngành chế biến còn liên quan tới các vấn đề môi trường, lao động… nên rất cần một đầu tàu tập hợp các tiếng nói đơn lẻ để đưa ra giải pháp dài hạn, rõ ràng, mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề này. Còn theo ông Tài, cần có sự liên kết, hợp tác từ công ty sản xuất con giống chất lượng tốt, thức ăn chất lượng với giá thành thấp, các đơn vị cung ứng chế phẩm nuôi trồng với giá cả hợp lý…
Ngoài những giải pháp trên, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Tôm của VASEP, ông Tài đề nghị VASEP cần phải kiến nghị chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản. Cụ thể là giảm lãi vay, giảm các chi phí về thủ tục, giảm các lệ phí, đẩy mạnh thủ tục giản đơn cho gói vay 10.000 tỷ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, vay USD với lãi suất dưới 4%. Tuyên truyền cho nông dân không sử dụng kháng sinh, chất cấm và tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở bán thuốc thú y không tuân thủ theo yêu cầu của ngành.
Nếu chúng ta chủ động làm tốt các công tác trên thì có khả năng phục hồi sản xuất vào quí III năm sau. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành tôm, theo ông Phục vai trò của Nhà nước trong công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…), chính sách đất đai, vốn, cũng như các chính sách hỗ trợ nông dân khác để tránh mai một nghề nuôi.
>> Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc nắm tình hình, tổ chức lại khâu sản xuất, hướng dẫn cho người dân phát triển các mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm chi phí, tổ chức liên kết ngay từ đầu vụ, chủ động sản phẩm đầu ra ổn định cho ngành hàng tôm. Cùng đó, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tập trung khai thác thế mạnh thị trường nội địa, chú trọng tăng cường chế biến sâu, giảm dần sản phẩm thô, nghiên cứu phát triển các sản phẩm OCOP từ con tôm với mẫu mã mới, đa dạng về chủng loại nhằm tăng sức tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau trên thị trường.
>> Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu
Một trong những lý do quan trọng khiến việc nuôi tôm không thành công, đó là thiếu sự chuẩn bị trong quá trình nuôi ban đầu của người nông dân. Ví dụ, phải tính tỷ lệ ao lắng, ao chứa nước, ao sẵn sàng và ao nuôi sao cho phù hợp nhất. Thông thường diện ao nuôi chỉ chiếm khoảng 20 - 30% trong tổng diện tích các ao là đạt chuẩn, nhưng nông dân thường mở rộng lên 40 - 50%, khiến quá trình vận hành nước không đủ cung cấp dẫn đến thất bại. Một lý do khác, đó là thiếu nhận sự thường trực phụ trách ao nuôi để quản lý về mặt kỹ thuật, trong khi con tôm lại diễn biến hàng ngày, hàng giờ. Phải có người trực tiếp trong ao nuôi mới được, chứ 2 - 3 ngày mới kiểm tra một lần, thì sẽ trở tay không kịp. Còn về nguồn nước đầu vào, đây cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, có quyết định đến thành công của ao nuôi nên cần phải “nuôi nước” kỹ lưỡng. Đó là một trong những yếu tố quyết định đến thành công và thất bại của ao nuôi hiện nay.
Xuân Trường