Phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 8/11, tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai), đã diễn ra Hội nghị tổng kết 15 năm phát triển cá nước lạnh và định hướng giai đoạn 2021 – 2030. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, hiện nay, cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất là tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007 sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng là 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn và đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 – 2020 trung bình 68,75%/năm. Năm 2020, sản lượng trứng cá tầm đã qua chế biến (caviar) của cả nước ước đạt 3.000 kg. Vùng nuôi cá tầm lấy trứng và chế biến caviar tập trung chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, ngành thủy sản định hướng sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước, nguồn nước lạnh để phát triển cá nước lạnh tạo sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng đó, phát triển theo hướng công nghiệp; áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng để sản xuất có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đa dạng hóa mô hình sản xuất, trong đó doanh nghiệp làm nòng cốt, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân.

Sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5.000 kg đến 10.000 kg/năm, giá trị sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 20 – 25 triệu USD.

Sản xuất được 100% nhu cầu giống đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. 100% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh được sản xuất trong nước.

Để hoàn thành mục tiêu này, ngành sẽ thực hiện 5 giải pháp về: về quản lý, con giống, thức ăn, khoa học công nghiệp, thị trường, chính sách đầu tư, tín dụng… Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất thức ăn trong nước và cơ quan nghiên cứu cùng với cơ sở nuôi thương phẩm để từng bước hoàn chỉnh các công thức thức ăn cho từng nhóm đối tượng nuôi nhằm thay thế thức ăn nhập khẩu, để giảm chi phí sản xuất; Hoàn thiện công nghệ sản xuất con giống cá nước lạnh để chủ động 100% giống cá trong nước; Chủ động chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, các biện pháp phòng trị dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở nuôi và sản xuất giống cá nước lạnh; Tổ chức tốt công tác thông tin thị trường, giá cả để các cơ sở sản xuất cá nước lạnh để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!