(TSVN) – Nghề nuôi cá nước lạnh ở nước ta đang ngày một phát triển. Tuy nhiên, thách thức về chất lượng con giống là trở ngại lớn hiện nay. Để giải quyết nút thắt này, tất yếu cần có sự đầu tư bài bản về công nghệ.
Năm 2004, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (RIA1) đã hợp tác với Phần Lan đưa trứng cá tầm thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đến nay, phong trào nuôi cá nước lạnh được nhận rộng ra nhiều tỉnh, thành như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn… Hiện, khu vực miền núi phía Bắc có trên 200 trang trại lớn, nhỏ đang triển khai nuôi cá nước lạnh với sản lượng trên 500 tấn cá/năm, chủ yếu là cá hồi vân và cá tầm
Việc phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh đã kéo theo nhu cầu con giống tăng cao, năm 2020 cả nước cần khoảng 5 triệu con giống (cá tầm 4 triệu con; cá hồi 1 triệu con). Trong nước sản xuất được khoảng 4 triệu con, đáp ứng được 80% nhu cầu. Trong đó, Lâm Đồng và Lào Cai là hai địa phương cung cấp con giống nhiều nhất; Lâm Đồng sản xuất được 1,3 triệu con/năm, Lào Cai sản xuất được khoảng 2 triệu con/năm. Các cơ sở sản xuất nhập trứng cá đã thụ tinh từ các nước về để tiếp tục ấp, sau đó ương lên thành cá hương, cá giống; hoặc nhập trực tiếp cá hương về để ương lên thành con giống với các kích thước khác nhau để cung cấp cho thị trường. Mô hình nhập khẩu cá hương về ương khá phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ở nước ta, Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh thuộc RIA 1 là đơn vị tiên phong trong việc di nhập và phát triển các đối tượng cá nước lạnh. Trong 15 năm qua, Trung tâm đã thực hiện trên 10 đề tài, dự án nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nước lạnh, điển hình: Năm 2005 – 2006, thực hiện dự án “Nhập công nghệ sản xuất giống cá hồi, cá tầm từ Phần Lan và Nga”; Năm 2008 – 2010 đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu quy trình nuôi vỗ thành thục và kích thích sinh sản nhân tạo cá hồi vân tại Việt Nam”. Năm 2010 -2012 tiếp tục thực hiện thành công dự án “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống cá hồi vân toàn cái”, với mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất giống cá hồi vân toàn cái và cải thiện nâng cao chất lượng con giống nhằm tăng kích cỡ cá nuôi thương phẩm. Năm 2014 – 2016, thực hiện thành công dự án “Nhập công nghệ sản xuất giống cá trắng châu Âu”. Kết quả của dự án đã mở rộng thêm được đối tượng cá nước lạnh mới, góp phần đa dạng hóa loài nuôi…
Cùng đó, với sự tài trợ và hợp tác của Chính phủ Phần Lan, dự án ICI và dự án FLC (từ năm 2010 đến nay), Trung tâm đã thực hiện nhiều dự án hợp tác về nâng cao năng lực nghề nuôi cá nước lạnh, chọn giống cá hồi vân, sản xuất giống cá hồi tam bội thể.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 (RIA 3) cũng là đơn vị thực hiện nhiều đề tài dự án về cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm. Từ năm 2016 – 2019, Viện đã sản xuất được hơn 50 vạn con giống có chất lượng cung cấp ra thị trường.
Nhu cầu về con giống hiện nay rất lớn, tuy nhiên sản xuất giống cá nước lạnh lại đang gặp nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất đó là các đơn vị chưa chủ động được con giống, phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà cung cấp trứng/giống từ Trung Quốc luôn đưa ra giá thấp hơn 20 – 35%. Chính vì vậy, phần lớn người nuôi nhỏ lẻ, thậm chí nhiều doanh nghiệp vì lợi ích ngắn hạn đã chấp nhận mua trứng, con giống từ Trung Quốc mà bỏ qua kiểm định chất lượng cũng như các tiêu chuẩn kiểm dịch.
Tại Hội nghị “Tổng kết 15 năm phát triển cá nước lạnh và định hướng giai đoạn 2021 – 2030”, Bộ NN&PTNT đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sản xuất được 100% nhu cầu giống đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. Để hoàn thành mục tiêu này, với ngành nuôi cá nước lạnh, cần tiếp tục có được sự đầu tư về công nghệ sản xuất giống. Thời gian tới, các cơ quan nghiên cứu, các viện, trường, nhà khoa học phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp cần hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá nước lạnh. Áp dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.
Việc chuyển giao công nghệ cho các đơn vị tiếp nhận cần đảm bảo quy hoạch hợp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, do chi phí ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá nước lạnh rất cao liên quan đến đầu tư hệ thống, trang thiết bị, cá bố mẹ, nhân lực và vận hành, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai, ứng dụng và sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hậu cần nghề cá để hướng tới sự phát triển hiệu quả, bền vững.
>> Để giảm phụ thuộc vào nguồn con giống nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã giao cho RIA 3 thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm” triển khai từ năm 2018 – 2019. Dự án đã hoàn thiện được quy trình sản xuất giống nhân tạo 3 loài cá tầm (cá tầm Nga, cá tầm Siberi, cá tầm Sterlet) bước đầu cho kết quả tốt. |
Lâm Đồng sản xuất được 1,3 con/năm ??? Mong tác giả xem lại.