(TSVN) – Nhìn lại 5 năm qua, giai đoạn 2016 – 2020, công tác quản lý sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đã có những chuyển động tích cực; góp phần tạo ra những sản phẩm thủy sản thế mạnh, có giá trị kinh tế cao và tạo tiền đề cho sản xuất an toàn, bền vững.
Giai đoạn 2016 – 2020, NTTS đối mặt với nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2016 tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, kéo dài ở các địa phương vùng ĐBSCL; tới đầu năm 2020 xảy ra dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn; NTTS cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc… mở rộng diện tích nuôi; rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Tuy nhiên, ngành thủy sản tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng sự vào cuộc của các địa phương, nỗ lực của người dân, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội… Nhờ vậy sản xuất thủy sản của nước ta trong giai đoạn 2016 – 2020 vẫn ghi nhận những thành tựu nổi bật. Sản lượng NTTS giai đoạn này liên tục tăng, đạt 3,6 triệu tấn năm 2016; 4,56 triệu tấn năm 2020; đóng góp vào con số xuất khẩu ấn tượng của toàn ngành nông nghiệp là 41,2 tỷ USD.
Thời gian qua, để triển khai Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý cho quản lý giống thủy sản được chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng con giống.
Các cơ sở sản xuất giống thủy sản cần đảm bảo và tuân thủ các quy định Ảnh: Vũ Sinh
Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống thủy sản đã thực hiện truy xuất nguồn gốc giống thủy sản tại các cơ sở chọn tạo và xuất khẩu giống thủy sản bố mẹ vào Việt Nam. Nhằm ngăn chặn giống bố mẹ không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào nước ta, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước; Tổng cục Thủy sản đã tổ chức kiểm tra cơ sở chọn tạo, xuất khẩu TTCT bố mẹ tại Thái Lan và Singapore. Tổng cục đã kiểm tra và đề nghị tạm dừng nhập khẩu đối với 2 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ tại Thái Lan do không đảm bảo chất lượng.
Để minh bạch nguồn gốc con giống trong nước, hạn chế con giống kém chất lượng, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương, Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (A04) tiến hành kiểm tra và xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vi phạm; buộc tiêu hủy/chuyển mục đích sử dụng số lượng lớn giống thủy sản bố mẹ, con giống không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không thực hiện kiểm dịch.
Ngoài ra, nhằm quản lý chặt chẽ giống tôm nước lợ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước, năm 2018 và 2019, Tổng cục Thủy sản đã triển khai việc ký Quy chế phối hợp về quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương nơi sản xuất và nơi tiêu thụ tôm giống. Điều này nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội; góp phần hạn chế những bất cập, khó khăn giữa các khâu sản xuất – lưu thông – sử dụng tôm giống.
Cả chất lẫn lượng giống thủy sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng kỳ vọng của người NTTS trên khắp cả nước. Kết quả đó là minh chứng rõ rệt nhất cho sự nỗ lực của toàn ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực giống thủy sản nói riêng.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý giống thủy sản thời gian qua còn tồn tại một số khó khăn. Cụ thể, nhu cầu tôm bố mẹ hàng năm của nước ta khoảng 300.000 con, trong nước mới chỉ chủ động được một phần, đây là cản trở lớn trong việc chủ động con giống trong nước.
Giai đoạn 2015 – 2020, Viện Nghiên cứu NTTS II đã phát tán 60.000 con cá tra hậu bị cho các cơ sở sản xuất giống tại các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai Dự án Phát triển sản xuất giống cá tra, dự kiến tiếp tục phát tán 120.000 con cá tra hậu bị cho các cơ sở sản xuất giống. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng, chuyển nhượng… đàn cá tra chọn giống cần được Bộ ban hành quy chế hướng dẫn.
Về kiểm tra, giám sát: Hàng năm nước ta nhập khẩu khoảng hơn 200.000 con TTCT, 5.000 con tôm sú bố mẹ, 150 – 200 triệu con tôm sú giống (PL15 – 20) từ Mỹ, Thái Lan; trong đó có đến 90% TTCT bố mẹ và 100% tôm sú giống được nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp, giai đoạn 2013 – 2020, Tổng cục Thủy sản chỉ kiểm tra được các cơ sở tại Thái Lan, Singapore và Indonesia nên việc đánh giá chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu còn chưa đầy đủ, toàn diện.
Dự báo năm 2021 và các năm tiếp theo ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn và khó dự báo; dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại; hạn hán xâm nhập mặn ở các tỉnh khu vực ĐBSCL diễn ra sớm và khốc liệt…
Hiệp định EVFTA đã được thực thi tại Việt Nam từ tháng 8/2020; đây được đánh giá là “cú hích” lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường này. Bên cạnh những lợi thế do Hiệp định mang lại, thì ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật, cạnh tranh của sản phẩm cùng loại từ các nước trong khối FTA, các vấn đề về ATTP, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hàng đưa vào EU, các doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ người lao động trong doanh nghiệp…
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; đồng thời phục vụ hiệu quả công tác truy xuất nguồn gốc, thích ứng với rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường nhập khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ sản xuất, thì việc đầu tư, chọn tạo, chủ động giống bố mẹ; tăng cường quản lý giống thủy sản từ quản lý điều kiện sản xuất, truy xuất nguồn gốc giống bố mẹ nhập khẩu, hạn chế giống kém chất lượng, không có nguồn gốc là thực sự cần thiết.
Nguyễn Văn Hữu
Vụ Nuôi trồng thủy sản