Phát triển giống thủy sản trong năm 2017

Chưa có đánh giá về bài viết

Tăng cường thanh tra, kiểm soát và tập trung vào phát triển những con giống chủ lực vẫn sẽ là những nhiệm vụ chính của Tổng cục Thủy sản để đảm bảo chất lượng giống thủy sản trong năm 2017. Nhân dịp đầu năm, cùng lắng nghe thêm những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hữu, chuyên viên Vụ Nuôi trồng Thủy sản – Tổng cục Thủy sản về nội dung này.

Tôm giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công vụ nuôi   Ảnh: Vũ Mưa

Tôm giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công vụ nuôi Ảnh: Vũ Mưa

Năm 2016 vừa qua, Bộ NN&PTNT cùng với Tổng cục Thủy sản đã có nhiều chương trình chính sách ý nghĩa cho sự phát triển của con giống thủy sản. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Xác định con giống là đầu vào quan trọng, quyết định đến thắng lợi của vụ nuôi, nên Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý địa phương đã quan tâm chỉ đạo sát sao ngay từ ban đầu. Theo đó, nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý chất lượng giống thủy sản đã được ban hành; Các nghị định, thông tư về quản lý giống thủy sản đang từng bước phát huy hiệu quả giúp cho việc kiểm tra, kiểm soát con giống ngày càng tốt hơn. Bộ cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý của địa phương cũng như cơ sở sản xuất giống thủy trong việc chấp hành các quy định liên quan đến quản lý giống thuỷ sản. Song song đó là việc tổ chức các hội nghị/hội thảo về giống thủy sản để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh giống.

Những hoạt động cụ thể đặc biệt là đối với lĩnh vực tôm giống trong năm qua, thưa ông?

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ NN&PTTN, Nguyễn Xuân Cường đã dành sự quan tâm cho lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ. Ngày 15/8/2016, tại Bình Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng với Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp để quản lý giống tôm nước lợ. Ngay sau Hội nghị, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã đề ra nhiều giải pháp quản lý giống tôm nước lợ, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ NN&PTNT gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc áp thuế nhập khẩu mặt hàng Artemia về 0% đã góp phần giảm chi phí sản xuất cho danh nghiệp, người dân và nâng cao chất lượng giống thủy sản. Đồng thời để quản lý tốt hơn chất lượng Tổng cục Thủy sản đã thiết lập “đường dây nóng” để phản ánh về chất lượng tôm giống. Tập trung chỉ tạo quyết liệt việc sản xuất giống, ban hành các chỉ thị của Bộ trưởng chị đạo quản lý chất lượng tôm giống tại các chợ tôm tự phát khu vực ĐBSCL; tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất về chất lượng. Đặc biệt, trong năm qua Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Mục tiêu xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Năm 2017, ngành giống sẽ có những điều kiện thuận lợi, khó khăn nào và Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung vào những chính sách chính nào để nâng cao việc quản lý chất lượng giống? 

Thủy sản là ngành mũi nhọn của nền nông nghiệp nước ta, nên có được nhiều chính sách ưu tiên phát triển. Đây sẽ là những thuận lợi cho sự đầu tư phát triển ngành giống. Cùng đó, Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những cơ sở sản xuất giống có uy tín chất lượng, không những đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước mà còn đạt chuẩn quốc tế. Một thuận lợi nữa cho ngành giống là ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam, đây là cơ hội lớn để các bộ ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo ngành tôm trong đó có sản xuất con giống. Trong sản xuất giống thủy sản đặc biệt là giống tôm nước lợ, có nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế cũng như trình độ quản trị cao, đây là động lực phát triển ngành sản xuất giống. Đồng thời sẽ là những điều kiện thuận lợi cho chất lượng giống ngày càng tốt hơn và đảm bảo đủ nhu cầu sản xuất của người nuôi trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, giống thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng sâu và rộng, ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản nói chung, trong đó có sản xuất giống. Một số đối tượng chủ lực xuất khẩu như tôm sú và tôm thẻ chân trắng còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đi cùng đó, là vấn nạn về sử dụng hóa chất kháng sinh và việc con giống trôi nổi trên thị trường chưa thể nào kiểm soát hết. Đây vẫn sẽ là những thách thức lớn cho ngành.

Do đó, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quản lý chất lượng giống thủy sản, trong đó chú trọng các đối tượng giống chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi và các đối tượng có giá trị kinh tế. Nhằm chủ động được các công nghệ sản xuất giống, tránh tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu và khó kiểm soát chất lượng con giống. Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng giống, đặc biệt tăng cường các đoàn thanh tra đột xuất, ngăn chặn các cơ sở sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, tôm đầm cho sinh sản cung cấp tôm giống ra thị trường gây thiệt hại cho người nuôi. Đây sẽ vẫn là những chính sách chính để cho ngành giống thủy sản đảm bảo các tiêu chí chất lượng, tạo nền móng đẩy mạnh các chính sách phát triển khác cho con giống.

Với người nuôi thủy sản, ông có những lời khuyên gì?

Người nuôi thủy sản cần tuân thủ các quy định trong sản xuất thủy sản và thả nuôi theo khung mùa vụ được ban hành. Người nuôi cần đặt con giống lên vị trí “số 1” không “tham” giống giá rẻ trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Lựa chọn các cơ sở sản xuất giống có uy tín. Nhân dịp năm mới, kính chúc người nuôi thủy sản một năm thành công, được mùa, được giá.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Để có nguồn tôm giống chất lượng, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo kiểm soát chất lượng con giống tại các vùng sản xuất tập trung; Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trọng điểm về sản xuất tôm giống có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết cho địa phương và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí đủ kinh phí để triển khai thực hiện. Từ đó, Bộ NN&PTNTđề ra kế hoạch, phấn đấu kết thúc năm 2017 có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.


Lê Cung (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!