Phát triển mô hình tôm – lúa: Giải pháp cho sản xuất bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tại Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 diễn ra sáng ngày 18/12, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã giới thiệu các mô hình tiên tiến như “Lúa thơm – Tôm sạch” và “Tôm rừng mangrove-carbon zero”. Những mô hình này không chỉ tận dụng tối đa lợi thế sinh thái mà còn tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí và mở ra cơ hội xuất khẩu lớn.

Tại sự kiện, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã chia sẻ về hai mô hình sản xuất bền vững là “Lúa thơm – Tôm sạch”“Tôm rừng mangrove-carbon zero (cây đước)”. Đây là các mô hình kết hợp giữa trồng lúa và nuôi tôm, không sử dụng hóa chất và phân bón, tận dụng tối đa chu trình sinh thái tự nhiên để tiêu diệt mầm bệnh và cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Theo ông Quang, trước kia giá tôm còn cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới chưa lớn, thì giá thành tôm Việt Nam bán ra vẫn tốt. Tuy nhiên, khi nguồn cung tôm từ Ecuador mạnh lên khiến cho giá tôm trong nước bị ảnh hưởng. Điều này đặt ra cho Minh Phú cần có giải pháp phù hợp để giảm giá thành tôm Việt Nam.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú chia sẻ tại Diễn đàn nông nghiệp. Ảnh: Thùy Khánh

Qua tìm hiểu một số mô hình nuôi tôm tại Ecuador, Minh Phú nhận thấy, cách tiếp cận của họ rất thông minh và công ty đã học hỏi, đồng thời tích hợp các công nghệ nuôi tôm hàng đầu trên thế giới thành công nghệ nuôi tôm sinh học Minh Phú BIO. Công nghệ nuôi này không chỉ giải quyết được các bài toán của Ecuador mà còn giải quyết được vấn đề mật độ, tức là dùng sinh học vi sinh để giải quyết các vấn đề môi trường và dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Quang nêu thực tế, phần lớn nông dân hiện nay chỉ sở hữu diện tích sản xuất nhỏ, khoảng từ 1- 2 ha. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, do chi phí thực hiện quá cao. Để khắc phục vấn đề đó, ông Quang đề xuất mô hình liên kết hợp tác giữa các hộ nông dân. Thông qua việc tổ chức các tổ hợp tác hoặc nhóm sản xuất lớn, chi phí chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sẽ được giảm đáng kể.

Mô hình “Lúa thơm – Tôm sạch” và “Tôm rừng mangrove – carbon zero” và kết quả triển khai. Ảnh: Minh Phú

“Liên kết sản xuất không chỉ giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn giảm chi phí lao động, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân tiếp cận các chứng nhận sinh thái và hữu cơ. Điều này sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời mở ra cơ hội lớn hơn cho việc thâm nhập thị trường xuất khẩu”, ông Quang lý giải. 

Để mô hình liên kết lúa – tôm được triển khai thành công, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú kêu gọi sự tham gia và hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người nông dân. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bên sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, giúp vượt qua những thách thức trong quá trình thực hiện.

“Tại Việt Nam chúng tôi đang triển khai mô hình tôm lúa, tôm rừng rất tốt. Tuy nhiên, muốn hiệu suất cao hơn thì phải liên kết hợp tác. Theo khảo sát, hiện các thửa ruộng nuôi tôm lúa rất nhỏ, không đảm bảo điều kiện nuôi khiến dịch bệnh lây lan, bây giờ cần quy hoạch tạo thành các ruộng nuôi tôm trồng lúa lớn, đầu tư cơ giới hóa, điều này sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao tỷ lệ sống của con tôm”. Ông Quang cho hay. 

Ông Quang cũng đặt vấn đề: “Chúng ta đã thành công với mô hình cánh đồng mẫu lớn cho lúa, vậy tại sao không thể xây dựng những cánh đồng mẫu lớn cho lúa – tôm?”.

Thông qua diễn đàn, ông Quang kêu gọi bà con nông dân mạnh dạn liên kết, cùng chung tay nhân rộng mô hình này, đồng thời khẳng định, khi mô hình được triển khai rộng rãi, chi phí đầu vào sẽ giảm, giúp con tôm có giá trị cạnh tranh cao hơn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn góp phần làm giàu cho người nông dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho quê hương, đất nước.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!