Cá chẽm là loài có giá trị kinh tế cao, năng suất có thể đạt 5 – 8 tấn/ha/vụ. Để nghề nuôi cá chẽm phát triển mạnh hơn và tiến tới xuất khẩu, cần phát triển quy mô công nghiệp. Theo đó, việc hoàn thiện quy trình sản xuất giống vẫn là yếu tố quan trọng đầu tiên cần được quan tâm.
Mô hình nuôi cá chẽm đã mang lại thành công cho nhiều hộ dân Ảnh: ST
Thế giới quan tâm
Cá chẽm còn có tên là cá vược, có kích cỡ tương đối lớn, trọng lượng có thể đạt 7 – 8 kg/con, thịt trắng, thơm ngon, được đánh giá là một trong 10 loại cá biển ngon nhất có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ khá ổn định. Người Á Đông thích dùng cá chẽm nguyên con chưng hấp trong tiệc tùng, người phương Tây dùng fillet thịt cá lăn bột chiên. Cá chẽm xuất khẩu nguyên con sang các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và xuất khẩu fillet thịt sang các nước Bắc Mỹ và EU.
Từ lâu ở các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, cá chẽm đã được nuôi trong ao dầm với con giống chủ yếu thu từ thiên nhiên. Và sau năm 1995, khi Thái Lan sản xuất giống cá chẽm khép kín vòng đời thành công, việc nuôi cá chẽm đã thành một nghề và có sản lượng lớn.
Cá chẽm nhờ những đặc tính tốt, dễ thích nghi môi trường, tăng trọng nhanh và giá trị kinh tế cao, thị trường xuất khẩu ổn định nên người nuôi cá ở Việt Nam nhập cá chẽm giống từ Thái Lan. Năm 2005 đã nhập vài chục triệu con giống để thả nuôi ở các đầm, hồ ven biển và cửa sông của các tỉnh phía Nam (Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre) cho đến các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng). Kết quả cá chẽm nuôi đã có sản lượng cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tiềm năng tại Việt Nam
Việt Nam có diện tích đất liền khoảng 330.000 km2 và một vùng đặc quyền kinh tế khoảng trên 1 triệu km2. Khu vực bờ biển với chiều dài 3.260 km chạy dài từ Bắc vào Nam với nhiều đầm, phá nước lợ ven biển, đặc biệt vùng ven biển miền Trung là một lợi thế mạnh để phát triển nghề nuôi mặn, lợ.
Trong những năm qua, nghề nuôi biển ở nước ta liên tục phát triển, nhưng diện tích đã nuôi vẫn còn khiêm tốn. Đến năm 2015, diện tích nuôi biển cả nước mới chỉ đạt 40.102 ha, sản lượng 308.587 tấn (nhuyễn thể 269.161 tấn, cá biển khoảng 30.000 tấn, tôm hùm 1.500 tấn…). Các loài cá nuôi phổ biến nhất là cá song (chiếm xấp xỉ 50%), cá giò (30%) và chẽm (7 – 8%). Nuôi cá chẽm được phân bố dọc theo bờ biển các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nam bộ và quần đảo Trường Sa với 2 loài chính là cá chẽm (Lates calcarifer) và cá chẽm mõm nhọn (Psammoperca waigiensis).
Gần đây, nhiều trang trại cũng đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp với quy trình khép kín, quản lý chặt từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật nuôi tới xây dựng ao hồ, hoàn thiện hệ thống sục khí hiện đại. Điển hình như Trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trang trại hiện có khoảng 12 ha nuôi cá chẽm công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 30 nhân công địa phương. Tuy nhiên, chủ trang trại này cho hay, con giống vẫn là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của nghề nuôi cá chẽm hiện nay.
Quan tâm hơn đến con giống
Sinh sản nhân tạo cá chẽm thành công đầu tiên ở Thái Lan vào năm 1971 (Wongsomnuk & Maneewoongsa, 1972) bằng phương pháp vuốt trứng từ những cá bố mẹ có tuyến sinh dục chín muồi bắt được tại bãi đẻ tự nhiên. Năm 1973, Wongsomnuk & Maneewoongsa đã thành công trong việc kích thích cá nuôi vỗ cho đẻ bằng cách tiêm thuốc kích thích. Năm 1981, Kungvakij đã kích thích cho cá đẻ thành công bằng phương pháp điều chỉnh môi trường, vòng đời của loài cá này đã được khép kín. Thái Lan hiện sản xuất hơn 100 triệu con giống cá chẽm mỗi năm (P. Nammalwar* & R. Marichamy*). Vì vậy, ngành công nghiệp nuôi cá chẽm ở nước này hiện được đảm bảo cung cấp đủ giống và phù hợp.
Ở nước ta, cá chẽm đã được đưa vào nghiên cứu, sản xuất giống nhân tạo ở các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II (RIA I, II), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nha Trang từ những năm 1994. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Năm 2000, RIA II đã nghiên cứu thành công và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá chẽm khép kín từ quy trình thuần dưỡng và nuôi cá bố mẹ thành thục trong bể xi măng đến kích thích sinh sản, ương nuôi cá bột thành cá giống. Viện cũng đã chuyển giao công nghệ này cho một số tỉnh ở ĐBSCL. Hiện, một số đơn vị nghiên cứu như: Trường Đại học Nha Trang, Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung mỗi năm sản xuất được 4 – 5 triệu giống cá chẽm cung cấp cho các tỉnh miền Trung và miền Nam. RIA I sản xuất và cung cấp giống cho người nuôi các tỉnh ven biển miền Bắc mỗi năm vài triệu con giống cá song, cá Hồng Mỹ, cá chẽm và cá giò.
Những năm gần đây, cá chẽm đang là đối tượng cá biển nuôi khá thành công ở nhiều địa phương. Cá cho năng suất và mang lại lợi ích kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Bên cạnh đó, cũng đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống và chuyển giao khá rộng rãi cho nhiều cơ sở sản xuất nên bước đầu đã có hiệu quả trong sản xuất giống, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng cho người nuôi, mở triển vọng cho việc phát triển nghề nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp.
>> Cá chẽm là loài phân bố rộng, khắp vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá chẽm phân bố ở phía Đông vịnh Bắc Bộ và vùng biển Trung bộ (Khánh Hòa đến Ninh Thuận, Bình Thuận), cá lớn nhanh ở nhiệt độ 28 – 300C. Giá cá chẽm thương phẩm dao động khoảng 60.000 – 90.000 đồng/kg. |