(TSVN) – Hiện nay tại nhiều địa phương trong cả nước, cá nước lạnh đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh. Tuy nhiên để nghề này phát triển bền vững, nhiều khó khăn như con giống, thức ăn, công nghệ, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt về thị trường… phải sớm được tháo gỡ.
Các loài cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm… là đối tượng nuôi thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, từ năm 2004, Viện Nghiên cứu NTTS I hợp tác với Phần Lan đã đưa trứng cá tầm thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Lào Cai là địa phương đầu tiên tiếp nhận và nuôi thành công cá tầm tại Việt Nam.
Tại khu vực Tây Nguyên, từ năm 2006 bắt đầu phát triển nuôi cá nước lạnh tại hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đến nay các địa phương ở Tây Nguyên đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh nhất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.
Cần nhiều giải pháp để nghề nuôi cá nước lạnh “cất cánh” Ảnh: Lâm Nhi
Hiện, cả nước có 25 tỉnh/thành phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Việc phát triển trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italy, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức.
Dù có lợi thế, tiềm năng để phát triển, nhưng nghề nuôi cá nước lạnh ở nước ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là việc bãi bỏ quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Điều này gây khó cho các địa phương trong quản lý sản xuất; các doanh nghiệp khó khăn trong hoạch định, xây dựng kế hoạch phát triển cá nước lạnh một cách bền vững. Dù Chính phủ, các bộ, ban, ngành gần đây đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành thủy sản, trong đó có cá nước lạnh, nhưng các cơ sở sản xuất chưa được hưởng các ưu đãi từ các chính sách trên.
Thứ hai là phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương thành cá giống, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với cá nhập khẩu. Theo báo cáo của Cục Thú y: Năm 2018 kiểm dịch 7.920.000 trứng cá; năm 2019 là 8.331.000 trứng cá; đến tháng 10/2020 là 3.735.000 trứng cá. Trứng cá tầm, cá hồi thụ tinh có nguồn gốc từ các nước: Ba Lan, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Nam Phi, Phần Lan và Đức.
Thứ ba là về công nghệ, hiện tại các công nghệ nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam được áp dụng hoàn toàn công nghệ nuôi các đối tượng cá truyền thống, khu vực nhiệt đới. Nhóm cá nước lạnh chịu biến đổi nhiệt độ và độ đục kém hơn nhiều so với nhóm cá truyền thống nhiệt đới, nhưng nhu cầu ôxy hòa tan lại cao hơn nhiều. Hầu hết công nghệ nuôi của ta hiện nay chưa đáp ứng được các đặc điểm sinh học của cá nước lạnh nên tỷ lệ hao hụt cao, năng suất nuôi thấp so với các nước nuôi công nghệ cao, nơi có thể đạt năng suất 200 – 300 tấn/ha hoặc 100 – 120 kg/m3 nước trong hệ tuần hoàn hoặc trong hệ nuôi nước chảy.
Thứ tư là về thức ăn, trong nuôi các nước lạnh, thức ăn chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm; nhưng có đến 50% thức ăn cho nuôi cá hồi được nhập khẩu với giá thành cao. Chi phí đầu tư cho các cơ sở nuôi cá nước lạnh là rất lớn, giá bán sản phẩm chưa ổn định, khó cạnh tranh với cá nước lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Bắc.
Đây không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại nhiều năm qua. Tình trạng cá tầm nhập lậu giá rẻ từ Trung Quốc rồi núp dưới mác cá tầm Việt Nam đẩy nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá tầm trong nước trước nguy cơ “chết yểu” khi vừa mới “thai nghén”.
Gắn tem truy xuất nguồn gốc cá tầm, cá hồi tại Lào Cai
Theo những người kinh doanh cá nước lạnh lâu năm ở Lào Cai, do cá tầm của Trung Quốc nuôi bằng cám tăng trọng, cá lớn rất nhanh nên giá bán rất rẻ so với cá tầm nuôi ở Sa Pa, Bát Xát. Chính vì vậy, một số tư thương nhập lậu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ để kiếm lời cao. Hơn nữa quan sát hình dạng bên ngoài cá tầm Trung Quốc khá lạ, khác nhiều so với các loài cá tầm đang nuôi tại Việt Nam và chất lượng kém, nhưng người tiêu dùng không phân biệt được. Đây chính là hành vi lừa dối khách hàng, cạnh tranh không công bằng.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, cuối tháng 1/2021, Bộ đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) để kiểm tra. Kết quả, phát hiện 8/11 mẫu cá tầm không phải là loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 62 của Chính phủ.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương cho hay, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng cá tầm. Đơn cử lực lượng chức năng tại Lào Cai phát hiện, bắt giữ lô hàng cá tầm có nguồn gốc từ Trung Quốc với số lượng 512 kg, trị giá gần 70 triệu đồng. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng là Hoàng Văn Đồng (34 tuổi, trú phường Duyên Hải, TP Lào Cai) khai nhận thu mua của người dân đi chợ Trung Quốc, đóng gói để vận chuyển về tiêu thụ tại Hải Phòng. Cơ quan chức năng xử phạt chủ hàng 40 triệu đồng và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Để tránh tình trạng cá tầm nhập trộn lẫn với cá tầm trong nước, một số doanh nghiệp đã xây dựng nhãn hiệu, gắn mã truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng cá tầm được gắn mã truy xuất chưa được phổ biến rộng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn cá tầm nhập lậu để cá nhập lậu không có chỗ đứng. Ngoài ra, sản xuất cá nước lạnh trong nước cũng cần giải quyết các thách thức nội tại, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng giá cả phải hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.
Phương Ngọc