Phát triển thủy sản năm 2013: “Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”

Chưa có đánh giá về bài viết

“Không thể có “kịch bản” duy nhất cho ngành thủy sản năm 2013. Bây giờ sản xuất phải bám sát thị trường. Lấy tín hiệu thị trường và xác định các mặt hàng thủy sản có nhiều lợi thế cạnh tranh làm căn cứ điều chỉnh sản xuất trong nước cho phù hợp” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (ảnh) chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: Năm 2012, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản vẫn phấn đấu hoàn thành được nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và ổn định trật tự kinh tế xã hội. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sản lượng thuỷ sản năm 2012 đạt 5,8 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2011. Xuất khẩu đạt khoảng 6,18 tỷ USD, tương đương với năm 2011. Đáng chú ý, sản lượng khai thác tăng tới 10,6% trong khi sản lượng nuôi chỉ tăng 6,8%. Đây là con số mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần vượt khó sáng tạo của ngư dân Việt Nam, thể hiện định hướng và chính sách của chúng ta bước đầu đã phát huy tác dụng.

Tuy nhiên năm 2012 cũng là năm rất khó khăn của ngành thủy sản. Đối với nuôi trồng là dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, nhuyễn thể. Trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu thì vấn đề vốn, nguồn nguyên liệu, thị trường… cũng gặp nhiều khó khăn. Hoạt động khai thác trên biển cũng gặp khó do giá xăng dầu tăng, cũng như nhiều rủi ro khác trên biển…

 

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng 2012 kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ mới tăng về lượng, chưa tăng chất. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

Ý kiến này hoàn toàn xác đáng. Đây là điểm yếu lâu nay của mặt hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam, nhưng không dễ khắc phục trong thời gian ngắn. Biểu hiện rõ nét là tỷ lệ mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng thấp, cộng với chi phí sản xuất trong nước còn cao so với mặt hàng cùng loại của một số nước, dẫn đến không chỉ bất lợi trong cạnh tranh, mà lợi nhuận thu được thấp, thậm chí lỗ vốn, không tương xứng với sự cố gắng và sức lực bỏ ra của người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản; cho nên, con số kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2012 không làm chúng ta vui được.

Tuy nhiên, phải khẳng định: chất lượng mặt hàng thủy sản Việt Nam không ngừng được cải thiện và đáp ứng được yêu cầu của tất cả các thị trường trên thế giới, kể cả thị trường có yêu cầu chất lượng cao và khó tính nhất. Công bằng mà nói, có được kết quả giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2012, phải ghi nhận sự cố gắng vượt bậc của cả người sản xuất nguyên liệu và đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong bối cảnh khó khăn kép từ các thị trường nhập khẩu và khó khăn trong nước.

 

Theo nhận định của Thứ trưởng, trong năm mới 2013, liệu tình hình xuất khẩu có khả quan hơn không?

Tình hình kinh tế thế giới nói chung và thị trường nhập khẩu thủy sản nói riêng chưa cho thấy tín hiệu sáng sủa, mà dự báo sẽ gặp nhiều thách thức đối với các mặt hàng xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, đặc biệt đối với mặt hàng tôm nước lợ ở thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và một số thị trường khác. Tuy nhiên, tôi lại thấy tín hiệu khả quan từ sản xuất trong nước khi mà lãi suất tín dụng đang trong xu hướng giảm, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ và một số đối tượng nuôi chủ lực khác đã có tiến triển tốt. Bởi vì, năm 2012, Bộ NN&PTNT đã huy động tổng lực vừa tập hợp các nhà khoa học hàng đầu về bệnh tôm trên thế giới và trong nước để tìm nguyên nhân và tác nhân gây bệnh suy gan tụy trên tôm nước lợ, đồng thời, đã phát hiện và tổng kết được những kinh nghiệm quý từ thực tiễn của người nuôi ở các địa phương ĐBSCL; bước đầu đã phát hiện được một số tác nhân gây bệnh, đây là một số tín hiệu vui từ sản xuất trong nước sẽ hỗ trợ đắc lực để chúng ta tự tin hơn trong phát triển thủy sản nói chung và xuất khẩu nói riêng.

 

Cá tra vừa được WWF đưa vào “danh sách xanh”.  Đây cũng có thể coi là tin vui lớn cho ngành công nghiệp cá tra trong năm 2013, thưa Thứ trưởng?

 Quả thực đây là một tin đáng mừng đối với ngành cá tra nói riêng và cả ngành thủy sản nói chung. Về khách quan mà nhìn nhận, đây chính là một sự minh oan cho con cá tra Việt Nam chứ bản thân nó thì rất sạch và rất chất lượng; bởi vì, sản xuất cá tra ở nước ta hầu hết đã nuôi và chế biến theo phương thức công nghiệp và được quản lý theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu. Nhờ có sự minh oan kịp thời này, cộng với việc chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý để tổ chức lại sản xuất, hướng tới phát triển cá tra bền vững thì tin tưởng rằng con cá tra sẽ có vị thế và phát triển chắc chắn hơn trong thời gian tới.

Cá tra được WWF “minh oan” là tin vui cho ngành công nghiệp cá tra năm 2013 – Ảnh: Lê Công Hân

 

Thiếu vốn đang là bài toán khó khiến người nuôi, doanh nghiệp ngành thủy sản gặp không ít khó khăn. Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong năm mới 2013?

Thiếu vốn là vấn đề khó khăn và rất bức xúc với thủy sản nói riêng và các ngành sản xuất nói chung năm 2012, dự báo năm 2013 sẽ sáng sủa hơn nhưng tiến triển chưa thể nhanh như mong đợi được. Đứng trước tình hình này, năm 2012, Bộ NN&PTNT đã kịp thời cử nhiều đoàn công tác xuống địa phương khảo sát nắm tình hình, cùng với các hiệp hội và địa phương đề xuất Chính phủ các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất. Hiện Bộ đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam và một số địa phương ĐBSCL để kiểm tra tình hình người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang khó tiếp cận vốn vay.

 

Năm 2013 được nhận định sẽ là năm còn nhiều khó khăn đối với kinh tế Việt Nam và thế giới. Vậy “kịch bản” nào mà ngành thủy sản Việt Nam chuẩn bị cho năm mới nhằm đưa ngành thủy sản thực sự phát triển ổn định và bền vững, thưa Thứ trưởng?

Như tôi đã nói, không thể có “kịch bản” duy nhất cho ngành thủy sản năm 2013. Năm 2013 là năm tái cơ cấu từng lĩnh vực và toàn ngành nông nghiệp. Đối với lĩnh vực thủy sản là năm: “Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững”, với các định hướng trọng tâm sau:

– Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Tập trung kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào: chất lượng giống, thức ăn, chế phẩm và chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng; kiểm soát và giảm thiểu thiệt hại đối với dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ; áp dụng nghiêm túc thời vụ và quy trình nuôi tiên tiến; tổ chức lại sản xuất và hoàn thiện cơ chế quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số đối tượng nuôi chủ lực, trước mắt là xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định sản xuất và xuất khẩu cá tra theo hướng hiệu quả bền vững.

– Đối với lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tập trung điều tra nguồn lợi, và dự báo ngư trường đối với một số nhóm đối tượng, sản phẩm khai thác chủ lực để làm cơ sở triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản”; tạo sự chuyển biến về chuyển giao công nghệ trong bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản; tăng cường năng lực giám sát, thông tin tàu cá và các biện pháp hỗ trợ phòng tránh rủi ro, bảo vệ ngư dân trên biển với sự ra đời của lực lượng kiểm ngư và kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh ven biển.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

>> Năm 2013, Bộ NN&PTNT tiếp tục bám sát tình hình, phát hiện và lắng nghe những kiến nghị từ người sản xuất và doanh nhiệp để kịp thời đề xuất những giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Hoàng Lan (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!