Phát triển vững mạnh trụ cột nông nghiệp – nông dân – nông thôn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Về mối quan hệ giữa các trụ cột, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực. Người nông dân phải là chủ thể, là trọng tâm. Mọi hoạt động của các đồng chí phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho họ. 

Thủ tướng cũng chỉ ra một số mô hình mà Bộ NN&PTNT nghiên cứu áp dụng như lãnh đạo, công quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công. Đồng thời cũng gợi mở việc trích lập quỹ phát triển hạ tầng thủy sản, đây cũng là một mô hình hợp tác công tư, tập hợp nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn. Bộ cần tập trung nguồn lực cho ba đột phá chiến lược, “đừng làm manh mún”. Phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không chỉ nghĩ đến trồng lúa, ngô, khoai, sắn. Cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5 – 3%, kim ngạch xuất khẩu 48 – 50 tỷ USD, thời gian tới, ngành xác định tạo những bước chuyển mạnh mẽ. Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả; chuyển từ “Chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “Chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”; chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”; chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”; chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”. Ngoài quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu, ngành chú trọng phát triển thị trường nội địa với sức tiêu thụ của khoảng 100 triệu dân.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!