(TSVN) – Cá là động vật biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Do đó, vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá. Đặc biệt, đây cũng là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Vì vậy, người nuôi cần có biện pháp chống rét và phòng bệnh thích hợp để hạn chế thiệt hại.
– Chất lượng nước bị thay đổi: Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột vào tháng 12 đến tháng 2 (có thể xuống thấp đến 18 – 220C) hoặc nhiệt độ tăng cao vào tháng 3 đến tháng 6 (lên đến 30 – 35oC), nhiệt độ ban ngày và ban đêm có sự chênh lệch lớn từ 7 – 100C làm cho cá sốc bỏ ăn, suy yếu, tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển, làm cho cá dễ bị bệnh.
– Nước ao kém chất lượng do quản lý không đúng
– Thức ăn không đảm bảo: Chất lượng thức ăn kém, không đủ dinh dưỡng cho cá sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và làm ô nhiễm nước ao.
– Nguồn giống thả kém chất lượng: Cá có thể đã bị nhiễm bệnh từ nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, mang sẵn mầm bệnh mà chưa được xử lý khử trùng, khi thả cá xuống nuôi gặp thời tiết thay đổi sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Nấm thủy mi là một trong những bệnh xuất hiện vào thời điểm có nhiệt độ thấp
Quản lý cho ăn: Cho ăn theo 4 định: Định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. Nếu thức ăn là tấm cám nấu thì nên để vào sàng cho cá ăn để dễ quản lý được thức ăn. Tranh thủ những ngày nắng ấm nhiệt độ trên 180C cho cá ăn tích cực đủ về lượng, đảm bảo về chất, bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cá, thường xuyên cấp nước mới vào ao để tăng cường ôxy và không gian sống của cá.
Khi thời tiết thay đổi từ mùa đông sang mùa xuân, hoặc từ mùa thu sang mùa đông, cá dễ bị bệnh nên cần phải cho ăn thuốc phòng bệnh loại thuốc Tiên Đắc I có bán ở các cơ sở trạm, trại cá với liều lượng 10 g thuốc trộn với cám, gạo, bột mì nấu chín cho ăn liên tục 2 – 3 ngày, cá sẽ chống được bệnh, nhất là bệnh đốm đỏ ở cá.
Tăng cường miễn dịch: Việc bổ sung các hợp chất có khả năng kích thích miễn dịch trong thức ăn của cá là một giải pháp để cải thiện sức khỏe. Hệ miễn dịch không đặc hiệu ở cá bao gồm miễn dịch tế bào và dịch thể, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong khả năng kháng bệnh (Dalmo and Ingebrigtsen, 1997), đặc biệt khi mà miễn dịch đặc hiệu ở cá kém hơn rất nhiều so với các động vật bậc cao khác trên cạn. Hệ miễn dịch không đặc hiệu ở cá có thể được kích thích bởi các hợp chất gọi là chất kích thích miễn dịch như β-glucan (Ai et al., 2007; Nguyen et al., 2019b; Rodríguez et al., 2009), lipopolysaccharides (LPS) (Bich Hang et al., 2016; Nguyen et al., 2019a; Selvaraj et al., 2009), lactoferrin (Ibrahem et al., 2010; Khuyen et al., 2017; Mo et al., 2015), inulin (Mousavi et al., 2016), chitosan (Siwicki et al., 1994), các chất chiết từ thực vật (Nguyen et al., 2020b, 2016; Nhu et al., 2019a, 2019b). Các hợp chất này có thể cải thiện các chỉ tiêu miễn dịch như lysozyme, bổ thể, macrophage và peroxidase hoặc làm tăng biểu hiện của một số gen tham gia vào hệ miễn dịch. Phương thức hoạt động của chất kích thích miễn dịch là kích hoạt hệ thống miễn dịch của sinh vật, nâng cao mức độ miễn dịch chống lại các mầm bệnh xâm nhập
Ổn định nhiệt độ: Ngưỡng nhiệt độ thích hợp cho các đối tượng thủy sản nước ngọt nuôi truyền thống ở nước ta nằm trong khoảng 25 – 300C. Khi nhiệt độ nước xuống thấp, cá chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn, nếu kéo dài tình trạng này trong ao nước nông, không kín gió, cá sẽ bị chết do rét. Do đó, người nuôi cần nâng và giữ độ sâu nước ao 1,4 – 1,5 m. Trên mặt ao, cần thả 2/3 bèo tây để chắn gió, góc ao để những bó rơm, rạ để làm nơi tránh rét, trú ẩn cho cá. he ao kín ao bằng nilon để tránh gió lùa đưa không khí lạnh làm nhiệt độ nước giảm thấp. Sang tháng 12, tháng 1 trời rét đậm dùng tre làm giàn trên mặt ao che phủ nilon kín để tăng khả năng giữ nhiệt độ cho ao. Dưới ao bơm nước sâu từ 1,5 – 2,5 m. Mặt ao thả bèo tây 2/3 diện tích ao về phía bắc để chắn gió bắc.
Đảm bảo chất lượng nước: Định kỳ 7 – 10 ngày bón từ 1 – 2 kg vôi bột/100 m2 ao và xung quanh ao để cải thiện môi trường nước và phòng bệnh cho cá. Dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở nơi cho ăn để diệt trùng và nấm gây bệnh, có thể dùng lá xoan phòng trị bệnh ký sinh trùng với 0,3 – 0,5 kg/m3.
Bệnh đốm đỏ: Xuất hiện quanh năm, thường tập trung vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè (tháng 3 – 5) mùa thu (tháng 8 – 10) khi nhiệt độ nước 25 – 300C. Cá bệnh có biểu hiện kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, cá mất nhớt thô ráp, xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ thể, mắt lồi, hậu môn viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, các vây tia cụt dần, thường gặp ở cá trắm cỏ. Tỷ lệ chết từ 30 – 70%. Trị bệnh: Dùng thuốc Tiên đắc 50 g/50 kg cá/1 ngày, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục, thuốc được trộn vào thức ăn nấu chín để nguội hoặc trộn vào thức ăn tổng hợp trước khi cho ăn từ 30 – 60 phút.
Bệnh nấm thủy mi: Bệnh do một số loài nấm thuộc các giống Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia… gây ra. Đây là các nấm dạng sợi, thuộc nhóm nấm bậc thấp, cấu tạo sợi nấm đa bào nhưng không có các vách ngăn. Trên da xuất hiện những vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển, đan chéo thành từng búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ môi trường nước 15 – 200C. Để điều trị bệnh, cần sử dụng Iodine với liều lượng 1 lít/5.000 m3 nước ao nuôi
Bệnh hoại tử gan thận mủ trên cá da trơn: Bệnh được xác định là do chủng vi khuẩn Edwardsiella sp gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt là mùa mưa, vào mùa lạnh, nhiệt độ thấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi. Cá bị bệnh thường bơi lờ đờ, màu sắc nhợt nhạt, xuất huyết trên cơ thể; khi mổ quan sát trên gan, thận có lốm đốm trắng, ruột tích nước. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ môi trường 18 – 230C. Trị bệnh bằng cách sử dụng thuốc tím với liều lượng 10 g/m3 để tắm cho cá từ 30 – 60 phút. Kết hợp bổ sung Vitamin C, Glucan với lượng 3 g/kg thức ăn/ngày nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá.
Diệu Châu