(TSVN) – Hỏi: Tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) thường có những triệu chứng gì?
(Trần Công Hiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)
Trả lời:
Tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh AHPND thường trông lờ đờ và có hành vi bơi lội bất thường. Ngoài ra, dưới đây là một số những triệu chứng khác phổ biến khi tôm bị nhiễm AHPND.
Lây nhiễm giai đoạn đầu đời của tôm: Bệnh AHPND ở tôm thẻ chân trắng nhiễm vào giai đoạn đầu của quá trình nuôi, từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 35 của quá trình nuôi. Thông thường, sau đó sẽ xảy ra hiện tượng chết hàng loạt lên đến 100% số tôm thả nuôi.
Tôm bỏ ăn: Bệnh AHPND làm tôm chán ăn và xuất hiện triệu chứng biếng ăn. Hơn nữa, triệu chứng này kéo theo việc làm rỗng đường tiêu hóa và mất sắc tố mô.
Tôm chậm lớn: Tôm chán ăn do nhiễm AHPND gián tiếp làm tôm chậm lớn hơn. Điều này là do sự tăng trưởng của tôm bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thức ăn tiêu thụ.
Đường tiêu hóa trở nên trống rỗng: Tôm bị nhiễm bệnh AHPND có biểu hiện tiêu hóa rỗng. Vì bệnh này tấn công trực tiếp vào hệ tiêu hóa của tôm.
Gan tụy chuyển sang màu nhợt nhạt: Khi bị nhiễm bệnh AHPND, mô gan tụy của tôm thẻ chân trắng sẽ dễ bị tổn thương khi bắt đầu nhiễm bệnh. Sau đó, khi bệnh tiến triển, mô này sẽ trở nên nhợt nhạt và cứng nhắc.
Xuất hiện đốm đen trên gan tụy: Gan tụy sau khi trở nên nhợt nhạt và cứng nhắc, giai đoạn tiếp theo sẽ xuất hiện các đốm đen hoặc đường mảnh trên gan tụy. Những đốm đen này cho thấy các ổ hắc tố hóa trong các tế bào hình ống của gan tụy.
Tỷ lệ tử vong cao: Ở giai đoạn bệnh bùng phát mạnh (từ ngày 10 đến 35 sau thả), tỷ lệ tử vong của cả quần thể tôm trong cùng một khu vực có thể lên đến 100%.
Hỏi: Biện pháp phòng bệnh AHPND hiệu quả?
(Ngô Quốc Hùng, xã Hưng Hợi, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
Trả lời:
– Chọn giống tốt, khỏe mạnh và sạch mầm bệnh (có thể giữ lại các bọc tôm giống để kiểm tra sức khỏe thông qua việc đánh giá tôm chết trong bọc).
– Chuẩn bị tốt hạ tầng ao nuôi, phơi nền đáy ao, sát trùng ao, bảo đảm nguồn cấp nước nuôi sạch bệnh, xử lý nước trước khi vào ao, giữ chất lượng nước ổn định trong quá trình nuôi, thay nước khi thấy nước có dấu hiệu ô nhiễm…
– Giảm mật độ tảo: thay nước, tạt vi sinh ban đêm, không cắt tảo bằng hóa
chất.
– Tăng 200% lượng vi sinh (lợi khuẩn) sử dụng trong nước và thức ăn, tăng cường 200% chất bổ sung ngừa bệnh (axit hữu cơ, monoglyceride, nấm men) đã được chứng minh có hiệu quả đối với AHPND.
– Không nên quá lạm dụng chất diệt khuẩn và kháng sinh nhằm mục đích chống lại AHPND trong quá trình nuôi tôm. Nguyên nhân vì vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (nguyên nhân chính gây bệnh AHPND) đã được chứng minh có khả năng chống chịu rất tốt đối với các loại kháng sinh trị bệnh thông dụng. Các loại hóa chất và kháng sinh với liều lượng và chủng loại không phù hợp không những không làm chết Vibrio parahaemolyticus, mà còn tiêu diệt hệ vi sinh có lợi, khiến cho tôm yếu đi và tạo điều kiện cho bệnh bùng phát mạnh hơn.
Khi phát hiện tôm trong ao có triệu chứng của bệnh AHPND thì cần dừng cho tôm ăn, tiến hành thay nước và diệt khuẩn ao nuôi. Có thể bỏ đói tôm từ 3 – 4 ngày, sau đó cho ăn lại với khẩu phần ăn giảm 50% so với mức thông thường. Trộn vào thức ăn các hoạt chất tự nhiên có khả năng diệt khuẩn hoặc các loại axit hữu cơ.
Ban KHKT