Mưa kéo dài thường gây ra tình trạng cá, tôm bị chết. Phòng ngừa đúng cách và kịp thời có thể hạn chế và giảm thiệt hại.
Vôi rẻ nhưng hiệu quả
Vôi là chất khá rẻ tiền nhưng nhiều tác dụng và được khuyến cáo dùng rộng rãi để cải tạo ao nuôi tôm, cá. Trước tiên, vôi giúp hạ phèn trong đất, nước, diệt cá tạp, địch hại, rong tảo và một số mầm bệnh trong ao. Vôi còn giúp cho mùn bã đáy ao dễ phân hủy hơn, đáy ao được khoáng hóa tốt hơn, chất lượng nước được cải thiện, thức ăn tự nhiên trong ao nhiều hơn giúp tôm, cá phát triển tốt hơn. Đối với một số loài thủy sản có vỏ, vôi còn cung cấp canxi giúp vật nuôi lột vỏ và cứng vỏ nhanh hơn.
Tùy điều kiện mà có thể dùng một trong các loại vôi hoặc kết hợp các loại vôi với nhau như: vôi nông nghiệp CaCO3; vôi tôi Ca(OH)2; vôi sống CaO và vôi đen CaMg(CO3)2 với liều lượng 300 – 500 kg/ha. Trong quá trình cải tạo, tùy thuộc chất đất và độ pH mà có thể dùng các loại vôi để cải tạo ao. Khi nuôi, vôi nông nghiệp và vôi đen thường được dùng để nâng pH, ổn định độ kiềm. Với trường hợp ao pH quá thấp, hoặc cần nâng pH nhanh, có thể dùng vôi tôi hòa vào nước và đánh xuống ao.
Mùa mưa lũ, cá, tôm trong ao dễ bị chết do nguồn nước đổ từ ngoài vào ao; vì vậy cần phải rải vôi trên khắp bờ ao để hạn chế tình trạng này. Theo nhiều chuyên gia, trong trường hợp mưa nhiều làm cá chết, có thể xử lý môi trường bằng các hóa chất như Cloramin B, sau đó dùng chế phẩm sinh học xử lý nước như EMC.
Bón vôi cải tạo môi trường nước ao nuôi tôm – Ảnh: Quốc Minh
Khử trùng nước ao
Đối với nước ao nuôi cá, tôm, Chlorine được khuyến cáo dùng để khử trùng nước trong một số trường hợp cần thiết. Chlorine có tác dụng tiêu diệt vi trùng gây bệnh, cá dữ và một số loài địch hại. Tuy nhiên, phải sử dụng Chlorine đúng liều lượng, đúng cách, dùng xử lý nước ao nuôi khoảng 2 kg/100m3; khi dùng Chlorine phải tăng cường ôxy cho ao nuôi, sau đó cấy vi sinh để giúp hồi phục hệ vi sinh vật trong ao.
Trên thị trường hiện có nhiều loại sản phẩm xử lý nước, phòng bệnh cho tôm, cá có nguồn gốc Chlorine, sử dụng hiệu quả cao, dễ sử dụng và thân thiện hơn với môi trường.
Tăng cường sức khỏe vật nuôi
Mưa kéo dài thường ảnh hưởng đến khả năng ăn mồi và tiêu hóa thức ăn của tôm, cá. Bổ sung men tiêu hóa cho tôm, cá, hạn chế sử dụng các chất bổ như dầu ăn, dầu mực vào thức ăn vào thời điểm mưa dài ngày. Đồng thời, có thể trộn kháng sinh vào thức ăn để phòng bệnh phân trắng, một số bệnh nhiễm trùng cơ hội cho tôm, cá. Có thể dùng một số kháng sinh như Florphenicol, Sultrim, Cotrimin… theo hướng dẫn của nhà sản xuất.