Trong môi trường nước bị ô nhiễm, giun sán sẽ phát triển nhiều, thường thành dịch. Bệnh không gây chết cá hàng loạt nhưng làm giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến năng suất.
Bệnh giun sán nội ký sinh
Tác nhân
Bao gồm giun đầu móc (Acanthocephala), sán dây (Bothricephalus), giun tròn (Philometra) ký sinh trong nội tạng cá gây nên, ấu trùng của chúng thường có sẵn trong nước. Chúng phát triển mạnh và gây hại cho cá ở giai đoạn nuôi thịt, nhất là những ao nuôi mật độ cao (trên 80 con/m2), sau khi nuôi 2 – 3 tháng. Giai đoạn này cá ăn nhiều, lượng thải lớn, nếu không xử lý tốt, nước sẽ bị nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho ấu trùng giun sán phát triển. Bệnh này không gây chết cá hàng loạt nhưng làm cho cá chậm lớn. Nếu sán ký sinh số lượng nhiều gây tắc ruột và đâm thủng ruột cá, tạo điều kiện cho các bệnh cơ hội phát triển. Giun tròn ký sinh nhiều có thể gây tắc ống dẫn mật hoặc tắc ruột cá.
Dấu hiệu bệnh lý
Cá ăn ít, gầy yếu, bụng trương to, màu sắc nhợt nhạt, mất thăng bằng, hoạt động kém. Quan sát thấy trong hệ thống tiêu hóa hoặc trong xoang cơ thể cá có những hạt màu trắng đục sữa (sán lá) hoặc dạng sợi dẹp dài (sán dây), sợi ngắn (1 – 4 mm) cuộn lại thành từng búi (giun tròn, giun đầu móc). Đoạn ruột có giun sán ký sinh có hiện tượng phình to.
Giun kí sinh trong ruột, vây và gan cá tra
Phòng và trị bệnh
Phòng bệnh
Nên mua cá giống khỏe mạnh, nuôi mật độ vừa phải 30 – 50 con/m2 và sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá ăn. Định kỳ vệ sinh và thay nước ao (20 ngày/lần), cuối vụ nuôi cần sử dụng chế phẩm sinh học (10 – 15 ngày/lần). Sau khi thả giống nên tẩy giun sán cho cá (liều lượng theo nhà sản xuất), sau đó tẩy giun sán định kỳ 3 tháng/lần.
Trị bệnh
Dùng thuốc Nova – Parasite trộn với thức ăn theo liều 1 kg/300 kg thức ăn cho ăn 1 lần/ngày (buổi sáng), liên tục 3 – 5 ngày. Dùng thuốc Praziquantel trộn vào thức ăn, liều lượng 50 – 75 mg/kg thức ăn cho ăn liên tục 4 – 6 ngày, nên kết hợp trộn thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng của cá.