(TSVN) – Hỏi: Cá trôi bị nấm mang thì nên điều trị như thế nào?
(Trần Ngọc Thắng, ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội)
Trả lời:
Gây bệnh nấm mang ở cá là một số loài thuộc giống Branchiomyces, có cấu tạo dạng sợi, thuộc nhóm nấm bậc thấp. Nấm phát triển quanh năm trong ao nuôi. Nhiễm nấm là bệnh thứ cấp, phát sinh khi môi trường nuôi bị ô nhiễm sau một thời gian dài nuôi mà không xử lý, nơi có vết thương trầy xước do cọ xát hay quá trình đánh bắt vận chuyển gây ra. Nhất là mang cá, nơi hoạt động đóng mở nắp mang của cá diễn ra liên tục thì rất dễ làm nấm có cơ hội bám vào và gây hại. Bệnh phát sinh nhiều vào thời điểm mùa hè của miền Bắc và mùa khô ở miền Trung, Nam. Bệnh nấm mang là một bệnh khá nghiêm trọng trên cá giống lẫn giai đoạn nuôi thương phẩm. Chưa có thuốc để trị dứt điểm bệnh này. Do đó, phải theo dõi thường xuyên để phát hiện những bất thường của cá và có những biện pháp phòng trị phù hợp nhất để hạn chế thiệt hại cho vụ nuôi. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, định kỳ khoảng 2 tuần/lần diệt khuẩn, khử trùng ao nuôi. Sau mỗi đợt thu hoạch nên tháo cạn nước rồi tiến hành bón vôi và phơi đáy ao khoảng một tuần trước khi cho nước mới vào ao. Trong quá trình nuôi, cần thường xuyên bổ sung Vitamin C cho cá với liều 1 kg/1.500 – 2.000 m3 nước. Ngoài ra cũng cần thêm vào thức ăn các loại khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của cá. Việc bổ sung này với một mục đích là tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cá, kích thích hệ miễn dịch của cá hoạt động một cách hiệu quả hơn. Chú ý việc cho ăn để không để thức ăn quá dư thừa làm ô nhiễm môi trường nuôi, đây là nguyên nhân chính làm nấm có cơ hội tấn công cá. Thường xuyên vệ sinh đáy ao, tránh việc hàm lượng chất hữu cơ trong ao quá cao, cá nuôi mật độ vừa phải.
Hỏi: Cá trôi bơi lờ đờ trên tầng mặt, màu sắc da chuyển sang tối sẫm. Một số con xuất huyết ở gốc vây, mắt lồi có xuất huyết. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Đinh Công Hòa, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)
Trả lời:
Theo mô tả, có thể cá trôi đã bị bệnh đốm đỏ. Bệnh do vi khuẩn hình que có tên khoa học là Aeromonass Hydrophylla hoặc Pseudomnas gây ra. Ở miền Bắc Việt Nam cá thường bị mắc bệnh vào 2 mùa chính là mùa xuân (tháng 3 – 4 dương lịch) và mùa thu (tháng 8 – 9 dương lịch). Bệnh kéo dài từ 1 đến 2 tuần, cá có thể chết. Giải phẫu cá sẽ thấy toàn bộ cơ quan nội tạng đều có xuất huyết. Nhấc đầu cá lên có máu nhạt lờ lờ chảy ra từ hậu môn. Khi cá bị mắc bệnh cần tách riêng những con bị bệnh ra ao riêng để điều trị tích cực; thay nước mới cho ao, bón vôi bột hòa nước, té đều khắp ao với liều lượng 2 kg/100 m2 để nâng độ pH trong môi trường nước (loại vi khuẩn này không thích ứng trong môi trường kiềm). Sử dụng thuốc KN – 04 – 12 của Viện nghiên cứu NTTS I sản xuất hoặc thuốc Tiên đắc, liều lượng và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.
Ban KHKT