Tôm hùm mắc nhiều bệnh (như đen mang, đỏ thân, bệnh sữa…). Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm được thiệt hại cho người nuôi. Chuyên san Con Tôm giới thiệu một số biện pháp phòng trị bệnh ở tôm hùm.
Biện pháp phòng ngừa
Thức ăn tươi phải được rửa sạch bằng nước ngọt trước khi cho tôm ăn, thu gom thức ăn thừa sau 2-3 giờ, thường xuyên vệ sinh lồng bè nuôi, vớt xác tôm chết đưa vào bờ để tiêu hủy.
Khi tôm đạt cỡ (>500g/con) cần san thưa và nuôi với mật độ 4-5 con/m2, khoảng cách giữa các bè nuôi >5m, để đảm bảo nước lưu thông tốt.
Tăng cường sức khỏe cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, vitamin tổng hợp (ví dụ: Stay-C hoặc C plus liều lượng 5g/kg thức ăn…)
Treo túi Chlorine quanh lồng nuôi, mỗi túi từ 0,5-1 kg/túi, sử dụng từ 4-5 túi/lồng, sau 4-7 ngày thay túi mới.
Đối với những con tôm hùm bị bệnh thì cần tách riêng khỏi đàn và có biện pháp, phác đồ điều trị riêng.
Điều trị bệnh theo phác đồ
Phác đồ điều trị bệnh cho tôm hùm hiệu quả nhất hiện đang được sử dụng là sử dụng Dung dịch chứa Oxytetracyline 20% dạng tiêm, kết hợp với thuốc bổ dưỡng cho tôm.
Cách pha thuốc: Dùng 1ml dung dịch chứa Oxytetracyline 20% dạng tiêm + 9ml nước cất hoặc nước muối sinh lý (1 phần thuốc pha với 9 phần nước).
Liều lượng: 0,1 ml/100g trọng lượng tôm, kết hợp sử dụng thuốc bổ (trộn vào thức ăn) nâng cao sức đề kháng cho tôm.
Kỹ thuật tiêm: Tôm được bắt bằng vợt lên khỏi lồng, người thực hiện việc tiêm thuốc phải cầm gọn phần giáp đầu ngực và chân bò của tôm bằng tay trái có đeo găng tay cao su, ép phần bụng của tôm vào vế đùi trái không cho tôm co đuôi về phía bụng, dùng bơm tiêm loại 1ml tiêm cho tôm. Vị trí tiêm ở mặt bụng tại đốt bụng thứ nhất hoặc đốt bụng thứ 2.
Khi tiêm cho tôm cần thực hiện động tác nhanh nhẹn và chính xác
Lưu ý: Trước khi tiêm cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trong quá trình tiêm thực hiện nhanh nhẹn, chính xác. Đặc biệt là phải chuẩn bị ô lồng trống có lưới sạch để chuyển ngay tôm xuống khi vừa được tiêm xong.
Chăm sóc tôm sau khi tiêm: Khi cho tôm ăn thức ăn có thuốc nên cho ăn lượng thức ăn ít hơn ngày thường, cho ăn muộn hơn so với thường lệ từ 30-60 phút để tôm đói ăn mồi mạnh và tiêu hóa tốt hơn. Trộn thật đều thuốc với thức ăn, để khoảng 30 phút cho thuốc ngấm, sau đó dùng dầu mực hoặc chất bao dính bên ngoài để giảm hao hụt thuốc tan ra môi trường khi cho tôm ăn.
Cho tôm ăn thức ăn trộn thuốc 1 lần/ngày vào buổi chiều tối.
Nên cho thức ăn (cá mồi) đã trộn thuốc vào túi kín, sau đó lặn xuống gần đáy lồng và thả từ từ ra cho tôm ăn.
>> Để phòng ngừa bệnh cho tôm hùm, đặc biệt là bệnh sữa, người nuôi cần phải tuân thủ các khuyến cáo chung về vùng nuôi, mật độ… Bên cạnh đó, bệnh sữa thường phát triển mạnh từ tháng 6 đến tháng 8 khi nhiệt độ cao, vì vậy trước và trong thời gian này người nuôi cần chăm sóc và tạo môi trường tốt để tăng sức đề kháng cho đàn tôm. |