Anh vũ, Dầm xanh, Lăng, Chiên và Bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc mà người dân vùng sông nước thường gọi là “ngũ quý hà thủy”. Ở tự nhiên, những loại cá này đã được đưa vào sách đỏ nhằm bảo tồn giống gen quý. Để khôi phục các giống cá quý, từ năm 2011 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống và thử nhiệm thành công nuôi thương phẩm cá Lăng chấm, cá Anh vũ, cá Bỗng trên địa bàn.
Để xây dựng được quy trình nuôi thương phẩm cá Anh vũ phù hợp, dựa vào tập tính sống tự nhiên của cá và điều kiện tại Phú Thọ, dự án đã lựa chọn 2 ao với diện tích 0,5 ha/ao để tiến hành nuôi. Một ao nuôi nước tĩnh, một ao được hút sạch bùn, dải cát vàng và xếp đá, nước được bổ sung tạo dòng chảy tại Trại sản xuất giống cấp I; 2 ao nuôi cá Anh vũ được chăm sóc, cho ăn giống nhau. Với số lượng giống thả 5.000 con; kích cỡ 6 cm/con, mật độ nuôi 0,5 con/m2. Sau 2 năm nuôi thử nghiệm, kết quả cho thấy mặc dù năng suất cá Anh vũ trong cả ao nước tĩnh và ao nước chảy đều vượt yêu cầu của dự án đề ra (0,4 tấn/ha), ao nuôi cá nước tĩnh năng suất bình quân đạt 0,4002 tấn/ha và ao nuôi cá nước chảy là 0,408 tấn/ha. Với mô hình cá Anh vũ hạch toán sơ bộ ban đầu cho thấy nếu nuôi trong ao nuôi nước chảy là 21,2 triệu đồng/ha/2 năm, ao nuôi cá Anh vũ nước tĩnh là 4,01 triệu đồng/ha/2 năm.
Sau hơn 20 tháng nuôi thương phẩm trong lồng trên sông Đà tại xã Xuân Lộc huyện Thanh Thủy, cá Bỗng đạt trọng lượng khoảng 1,9 – 2 kg/con.
Lăng chấm là loài cá trước đây chỉ sống trong môi trường tự nhiên có giá trị kinh tế cao của hệ thống sông Hồng. Hiện tại cá Lăng chấm được xếp vào mức nguy cơ bậc V, cần phải bảo vệ gấp (Sách đỏ do Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường công bố năm 1992). Trước tình trạng khan hiếm cá Lăng chấm, Chi cục Thủy sản tỉnh đã xây dựng 3 dự án phát triển nuôi trong lồng trên sông và hồ chứa thuộc các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Đoan Hùng. Trong đó lồng ghép đưa cá Lăng vào nuôi trên địa bàn các huyện, thành, thị. Sau khi kết thúc dự án, qua đánh giá, về hiệu quả kinh tế, Lăng chấm trên 2 kg/con. Mô hình nuôi cá Lăng chấm trong ao nước tĩnh với mật độ 0,5 con/m2, lợi nhuận trung bình đạt 15,6 triệu đồng/1.000 m2 tương đương với 156 triệu đồng/ha/2 năm, cho lợi nhuận và năng suất cao hơn nhiều so với nuôi cá truyền thống.
Trong quá trình thực hiện dự án, hàng năm giống cá Lăng chấm, cá Anh vũ được thả ra môi trường tự nhiên giúp cho công tác tái tạo và phát triển đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Không chỉ sản xuất thành công giống cá Anh vũ và cá Lăng chấm, Chi cục Thủy sản tỉnh còn sản xuất thành công giống cá Bỗng quý hiếm. Giống cá này được nuôi thử nghiệm tại Trại sản xuất giống cấp I – Chi cục Thủy sản tỉnh và tại lồng trên sông Đà tại huyện Thanh Thủy với thời gian 36 tháng. Kỹ sư Lưu Văn Biên – Chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Bỗng Spinibarbun denticulatus (Oshima, 1926) tại tỉnh Phú Thọ” cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận thành công 3 quy trình công nghệ, gồm quy trình nuôi vỗ cá Bỗng bố mẹ, quy trình sinh sản nhân tạo cá Bỗng và quy trình ương nuôi cá Bỗng. Đồng thời, tổ chức thành công 2 mô hình: Nuôi cá Bỗng trong ao đất sử dụng thức ăn xanh kết hợp với thức ăn công nghiệp, đối chứng là sử dụng hoàn toàn thức ăn xanh; mô hình nuôi cá lồng sử dụng thức ăn xanh kết hợp với thức ăn công nghiệp, đối chứng là sử dụng hoàn toàn thức ăn xanh. Kết quả đều đạt 100-142% so với mục tiêu đề ra. Sau 2 năm, mô hình sản xuất giống cá Bỗng: Tỷ lệ thành thục 50,16%, tỷ lệ đẻ 73,22%, tỷ lệ thụ tinh 55,75%, tỷ lệ nở 61,58%, tỷ lệ ra bột 72,04%, tỷ lệ ương từ bột lên hương 50,99%, tỷ lệ ương từ hương lên giống đạt 64,55% về cơ bản các chỉ tiêu đều vượt. Mô hình nuôi thương phẩm cá Bỗng trong ao đất sử dụng thức ăn xanh kết hợp với thức ăn công nghiệp thu được lợi nhuận tương đương 126,18 triệu đồng/ha/20 tháng nuôi. Mô hình nuôi thương phẩm cá Bỗng trong lồng sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn xanh thu được lợi nhuận 172 triệu đồng/lồng 100 m3/20 tháng nuôi.
Như vậy nuôi cá Bỗng thương phẩm trong lồng hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi trong ao đất, 1 lồng nuôi có thể tích 100 m3 thu được lợi nhuận cao hơn khi nuôi trong ao đất có diện tích 1 ha. Đề tài cũng đã đào tạo được 7 kỹ thuật viên thành thạo mô hình và đã hoàn thiện được các quy trình sản xuất giống phù hợp với địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản bằng cách thả giống cá Bỗng trở lại môi trường tự nhiên trên Sông Lô từ nguồn cá nhân tạo, đồng thời tiềm năng nuôi thương phẩm cá Bỗng trên sông để nhân rộng mô hình có hiệu quả đem lại lợi nhuận cao cho người dân.
Với sự thành công của Chi cục Thủy sản tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm thành công ba giống cá quý đã góp phần lớn để thực hiện công tác tái tạo, bảo tồn loài thủy sản có nguy cơ bị tuyệt chủng này.