Để Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tỉnh ủy triển khai Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội liên quan đến biển, đảo của tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp hệ sinh thái (HST) biển.
Ngư dân Phú Yên vươn khơi khai thác cá ngừ đại dương, phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Anh Ngọc
Phú Yên có đường bờ biển dài 189 km, với diện tích vùng biển ven bờ của tỉnh rộng, ước khoảng 34.000 km2. Địa hình bờ biển của tỉnh đa dạng, hình thành nên nhiều đầm, vũng, vịnh và có nhiều hòn đảo gần bờ, có giá trị về mặt cảnh quan, sinh thái rất quan trọng.
Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp từ khoảng 8 – 10% GRDP của tỉnh; kinh tế của 4 địa phương ven biển đóng góp trên 70% GRDP cả tỉnh. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, từng bước đạt đến các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của HST biển. |
Ông Trần Trung Trực, Trưởng Phòng Biển và Hải đảo (Sở TN-MT) cho biết công tác bảo vệ các HST, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu hướng suy thoái tài nguyên và bảo vệ môi trường biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay và trong thời gian tới. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2019, Sở TN-MT đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ điều tra, đánh giá, đề xuất các khu bảo vệ, bảo tồn sinh thái cảnh quan vùng biển ven bờ tỉnh.
“Mục tiêu điều tra là xác định được các HST cần được bảo vệ, nhằm duy trì đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng biển ven bờ tỉnh Phú Yên. Các chuyên gia đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học vùng biển ven bờ của tỉnh là khá phong phú, với nhiều nguồn lợi có giá trị”, ông Trực nói.
Kết quả nghiên cứu, đánh giá này cũng đã xác định các khu vực HST chính là: HST đầm Cù Mông, HST đầm Ô Loan, HST cửa sông và ven biển các huyện, thị, thành phố và HST rạn san hô. Các HST này đều có giá trị đa dạng sinh học lớn, có giá trị cảnh quan và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao.
Kết quả điều tra, đánh giá vùng biển ven bờ của tỉnh Phú Yên đã xác định được khoảng 1.000 loài sinh vật thủy sinh ở vùng biển ven bờ tỉnh. Trong đó, xác định được 388 loài cá thuộc 242 giống, 104 họ, 25 bộ của 2 lớp cá sụn và cá xương; 4 loài bò sát thuộc 4 giống, 2 họ, 2 bộ; 129 loài giáp xác cỡ lớn thuộc 35 giống, 13 họ của 1 bộ; 34 loài chân đầu thuộc 12 giống, 7 họ của 4 bộ; 73 loài chân bụng thuộc 42 giống, 19 họ và 8 bộ; 52 loài hai mảnh vỏ thuộc 28 giống, 13 họ của 6 bộ…
Từ những đặc thù về điều kiện tự nhiên, tính độc đáo địa hình bờ biển, sự phong phú về cảnh quan, HST, di tích lịch sử, danh thắng cùng với đa dạng sinh học… của vùng biển ven bờ của tỉnh, cho thấy đây là thế mạnh để Phú Yên phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế – xã hội. UBND tỉnh đã có nhiều định hướng, quyết sách xây dựng nền kinh tế dân sinh, văn hóa, du lịch sinh thái và cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường bền vững vùng biển ven bờ của tỉnh.
Địa hình bờ biển của tỉnh Phú Yên có giá trị rất lớn về mặt cảnh quan, sinh thái, là thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội. Trong ảnh: Tàu cá cập bến tại vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa). Ảnh: Thanh Lê
Cụ thể như, bảo tồn và phục hồi các HST tự nhiên vùng biển ven bờ; bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi; nuôi trồng thủy sản bền vững; quản lý tổng hợp vùng biển ven bờ tỉnh Phú Yên; giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường đến HST; phát triển các loại hình du lịch sinh thái phù hợp; xây dựng chính sách phát triển sinh kế bền vững đối với cộng đồng dân cư vùng biển ven bờ; bảo vệ, phục hồi các HST, tôn tạo giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực; hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng về phương thức sử dụng bền vững HST ven biển…
Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ trong thời gian qua: Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở một vài khu vực còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các HST biển, đa dạng sinh học biển có dấu hiệu suy giảm; tài nguyên ven biển bị khai thác quá mức…
Trong khi đó, phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên HST ở tỉnh chưa theo kịp các yêu cầu phát triển và xu thế thời đại. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, điều tra cơ bản, nguồn nhân lực biển… còn hạn chế. “Đây là những vấn đề đã và đang đặt ra cho công tác quản lý, bảo vệ giá trị tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; phục hồi và bảo tồn các HST biển quan trọng là cần thiết và cấp bách”, ông Trần Trung Trực khẳng định.
Hiện trạng đa dạng sinh học vùng biển ven bờ tỉnh Phú Yên– Về cá: Đã xác định được 388 loài thuộc 242 giống, 104 họ, 25 bộ của 2 lớp cá sụn và cá xương. Trong đó, ghi nhận được 73 loài cá có giá trị kinh tế thuộc 54 giống, nằm trong 33 họ của 10 bộ và 32 loài có giá trị bảo tồn theo các thứ hạng khác nhau trong Sách đỏ Việt Nam (SĐVN), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), trong Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển theo Quyết định 82/2008/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT (QĐ82/2008/QĐ-BNNPTNT). – Về bò sát: đã xác định được 4 loài thuộc 4 giống, 2 họ, 2 bộ. Trong đó có 1 loài nằm trong danh lục đỏ IUCN; 2 loài có tên trong SĐVN và 2 loài trong CITES. – Về giáp xác cỡ lớn: 129 loài thuộc 35 giống, 13 họ của 1 bộ. Trong đó có 6 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn có tên trong SĐVN (2007) và QĐ 82/2008/BNNPTNT và 29 loài giáp xác kinh tế (chiếm 22,48 %) phân bố vùng biển ven bờ tỉnh Phú Yên. – Các loài chân đầu: 34 loài thuộc 12 giống, 7 họ của 4 bộ. Trong đó có 14 loài quý hiếm có trong SĐVN, IUCN; QĐ 82/2008/BNNPTNT và 20 loài có giá trịkinh tế. – Các loài chân bụng: 73 loài thuộc 42 giống, 19 họ và 8 bộ. Trong đó có 2 loài quý hiếm có trong SĐVN, QĐ 82/2008/BNNPTNT và 4 loài có giá trị kinh tế. – Các loài hai mảnh vỏ: 52 loài thuộc 28 giống, 13 họ của 6 bộ. Trong đó có 9 loài quý hiếm có trong SĐVN, IUCN; QĐ 82/2008/BNNPTNT và 26 loài có giá trịkinh tế. – San hô: 162 loài san hô thuộc 59 giống và 21 họ thuộc 2 lớp san hô cứng và san hô mềm. – Rong biển: 113 loài rong biển, thuộc 4 ngành là rong Lam, rong Đỏ, rong Nâu và rong Lục. – Cỏ biển: 10 loài cỏ biển, thuộc 6 chi, 3 họ, 1 ngành. |