Phú Yên: Giá tiêu tăng, người dân chưa vội bán

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau thời gian dài hạ giá, nông dân phá bỏ vườn tiêu trồng các loại cây khác, hoặc bỏ hoang vì không có tiền đầu tư. Mùa thu hoạch năm nay, tiêu tăng giá khá mạnh nhưng nông dân không vui vì vườn tiêu thiếu đầu tư chăm sóc, năng suất thấp, diện tích thu hẹp.

Giá tiêu tăng gấp đôi, gấp ba

 Đang là mùa thu hoạch, người trồng tiêu tất bật thu hái “vàng đen” vì giá liên tục tăng, nhưng cũng có người trữ lại chờ tăng giá cao hơn nữa.

Ông Bùi Văn Long ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) trồng 1.000 nọc tiêu, ước chừng thu hoạch được 1,5 tấn. Giá thị trường hiện nay là 70.000 đồng/kg, tiêu Sơn Thành chất lượng tốt hơn, thương lái mua 75.000 đồng/kg, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, nhưng ông chưa vội bán. “Hy vọng giá tiêu còn tăng cao để người trồng tiêu bớt vất vả sau nhiều năm lỗ nặng”, ông Long nói.

Bà Phan Thị Liên cũng ở xã Sơn Thành Đông trồng 2 ha tiêu cho thu hoạch hơn 5 năm nay. Nhờ được tưới nước nhỏ giọt nên vườn tiêu của bà luôn xanh mướt, chuỗi tiêu dài chắc nịch, năng suất giữ mức trung bình 2 kg tiêu/nọc. Với 5 công lao động tích cực hái, đến nay bà Liên đã thu gần 1 tấn tiêu đang phơi khô. Những ngày gần đây, giá tiêu tăng, dao động từ 70.000 – 75.000 đồng/kg. Mấy năm trước, giá tiêu hạ xuống mức 25.000 – 30.000 đồng/kg.

tiêu phú yên

Mấy năm trước tiêu hạ giá, nhiều người trồng sâm nam xen tiêu nên năm nay năng suất tiêu thấp. Ảnh: Lê Trâm

“Mặc dù giá tiêu cao hơn những năm trước đây, nhưng tôi tiếp tục trữ lại để chờ tăng giá hơn nữa. Tính toán mọi chi phí đầu tư, nếu bán tiêu vào thời điểm này vẫn chưa có lãi là bao so với thời điểm cách đây 7 – 8 năm”, bà Liên nói.

Nhiều người trồng tiêu có trang trại lân cận xã Sơn Thành Đông nhận định: Năm nay, sản lượng tiêu giảm mạnh do diện tích thu hẹp, lại mất mùa. Vì vậy, tiêu có thể còn tăng giá.

 

Vườn tiêu thu hẹp

Ông Huỳnh Văn Thức ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) có trang trại trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông rộng 4 ha. Cách đây 8 năm, khi tiêu được giá, ông mua thêm 0,5 ha để đầu tư trồng tiêu, nhưng chưa kịp thu hoạch thì giá hồ tiêu giảm xuống đáy. Từ hơn 4.500 nọc, nay vườn nhà ông chỉ còn khoảng 1.000 nọc tiêu.

“Nếu như đầu tư bài bản thì năng suất đạt 2 tấn tiêu khô. Mấy năm rồi giá tiêu hạ nên gia đình không chăm sóc, tiêu ra ít trái, năng suất giảm, ước vụ này thu hoạch chỉ 1,5 tấn tiêu. Tôi mong giá tiêu ổn định để có vốn đầu tư cho mùa tới”, ông Thức nói.

Không chỉ ông Thức mà nhiều người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây trước đây đầu tư trồng 5 – 10 ha tiêu, sau đó phá bỏ trồng cam, bưởi, bí ngô, bí chanh, nên hiện tại còn ít người “theo” cây tiêu. “Trước đây tôi có 4 ha tiêu, nhưng thời gian qua, giá tiêu thấp, không có lãi nên tôi phá bỏ trồng cây ăn trái, còn chừa lại 1 ha tiêu. Hơn nữa, tôi trồng sâm nam dưới gốc để bò lên cây tiêu làm thân tiêu mất sức, cho năng suất thấp”, ông Nguyễn Văn Vinh, người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây cho biết.

Xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông được mệnh danh là “thủ phủ” hồ tiêu của Phú Yên với diện tích trồng tiêu có lúc lên đến hơn 600 ha, thế nhưng gần đây diện tích thu hẹp. Từ cuối năm 2017 đến nay, đa số các hộ trồng tiêu thua lỗ. Nguyên nhân là do mưa bão làm tiêu gãy đổ, giá tiêu trong thời gian dài xuống thấp dưới mức 30.000 đồng/kg tiêu khô nên nông dân không có vốn đầu tư trồng lại và chăm sóc, cùng với đó bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát.

“Năm nay, những hộ trồng tiêu ở huyện Tây Hòa phải thuê nhân công hái tiêu với giá khá cao, từ 200.000 – 220.000 đồng/người/ngày. Nếu chỉ đạt năng suất 2 tấn/ha thì sau khi trừ chi phí, người trồng không có lãi vì không đầu tư bài bản nên trái tiêu nhỏ, mất trọng lượng lại hái cầm công. Còn cách đây 3 năm (2019), giá tiêu trên thị trường thương lái mua chỉ 25.000 đồng/kg tươi, trong khi đó công lao động thuê 200.000 đồng/công, một người hái giỏi được 10 kg/ngày. Với giá tiêu thấp như vậy thì nhiều người trồng hồ tiêu mất tiền tỉ”, ông Phan Văn Dũng, người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Tây chia sẻ.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Diện tích tiêu của tỉnh 3 năm qua giảm mạnh do giá luôn ở đáy. Nhiều chủ vườn tiêu “kiệt sức”, không cầm cự được phải chuyển sang trồng cây ăn trái, cây ngắn ngày khác. Phần còn lại thiếu đầu tư dẫn đến suy yếu, ảnh hưởng dịch bệnh, năng suất, sản lượng giảm.

Để tránh điệp khúc “được giá, mất mùa”, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện chủ trương quy hoạch, sản xuất tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đã giảm áp lực về giá, thị trường.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, năm 2016, toàn tỉnh có 975 ha tiêu, trong đó huyện Tây Hòa 600 ha, Sông Hinh 200 ha, Sơn Hòa 50ha và Tuy An 5 ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 577 ha tiêu, tập trung tại hai huyện Tây Hòa, Sông Hinh.

>> Hiện bệnh chết chậm, bệnh đốm đen mặt dưới lá, thán thư, đốm tảo gây hại xuất hiện trên cây tiêu già, chế độ chăm sóc kém. Vì vậy thời gian đến, nông dân cần tập trung quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng hại rễ gây hại ở vườn tiêu chăm sóc kém.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên

 

Mạnh Hoài Nam

Nguồn: Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!