(TSVN) – Đó không chỉ là thông điệp, mà còn là mục tiêu, ý nghĩa quan trọng của hoạt động thả giống thủy sản về tự nhiên trên các thủy vực sông Hậu và vùng ven biển khu vực ĐBSCL; do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND và ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong khu vực tổ chức thời gian qua.
Có mặt tại khu 2, Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng) sáng 11/11, chúng tôi mới cảm nhận hết không khí sôi động của buổi “Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực cửa sông Hậu ven biển 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Hơn 150 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và cả lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh trong tỉnh Sóc Trăng đã tham dự buổi lễ này, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam (áo trắng) cùng tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Trong không khí sôi động của buổi lễ mang nhiều ý nghĩa này, ngư dân Cô Minh Phương ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) xúc động, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, trong khi thời tiết ngày càng thất thường, sản lượng khai thác ngày càng giảm đi, lại thêm “thẻ vàng” IUU, nên giá sản phẩm khai thác cũng không còn thuận lợi, khiến đời sống ngư dân chúng tôi khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, khi nghe có buổi lễ thả giống để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản là tôi tranh thủ đi ngay, vì đây là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp sinh kế của ngư dân chúng tôi có cơ hội được cải thiện”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, gia tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là phục hồi và tái tạo các loài thủy sản quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về hoạt động “Tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản tại một số lưu vực sông và vùng ven biển ĐBSCL”, mới đây, Bộ đã chủ trì phối hợp với các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Sóc Trăng tổ chức thả giống 4 đợt trên sông Hậu và vùng ven biển ĐBSCL, với tổng số giống thả là 16 tấn cá và 5 triệu con tôm, cua, cá các loại; trong đó, có nhiều loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, như: cá hô, cá he, cá tra dầu, cá ét mọi, cá thát lát cườm, tôm sú, cua biển…
ThS Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng trong niềm vui được thực hiện hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản rất ý nghĩa này.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của nguồn tài nguyên thủy sản, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng công tác phục hồi, tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái và môi trường sống của các loài thủy sản. Trước đợt thả giống lần này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức 3 đợt thả giống thủy sản về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản cho mục tiêu lâu dài. Qua đó, đã thả trên 3 triệu con giống tôm sú, 10.000 con cua, 50.000 con cá lóc, 4.000 con cá thát lát…, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên địa bàn.
Nhân sự kiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lần này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã ra lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử và quý đại biểu cùng chung tay bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như môi trường sống của các loài thủy sản; không sử dụng thuốc nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn so với quy định để khai thác thủy sản; không đánh bắt cá con, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Phó Chủ tịch Vương Quốc Nam kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động có liên quan làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, cũng như duy trì hoạt động thả giống thủy sản về tự nhiên. “Về lâu dài, nên chăng, Bộ cần tính đến phương án tạm ngừng hoạt động khai thác biển trong khoảng thời gian nhất định trong năm để nguồn lợi thủy sản kịp phục hồi và phát triển” – ông Nam đề xuất.
Sau buổi lễ, các đại biểu tiến hành thả 1,5 triệu giống tôm sú và 300.000 con cua biển; trong đó, Cục Kiểm ngư hỗ trợ 500.000 giống tôm sú và 300.000 con cua biển, còn lại là sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.
Xuân Trường
(Bài và ảnh)