Do chịu được hàm lượng ôxy hòa tan thấp nên cá tra, basa thường nuôi ở mật độ cao, lượng chất thải nhiều. Nếu quản lý chất thải không hợp lý, nước ao nuôi dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh sẽ bùng phát.
Cải tạo ao, thả cá
Diện tích ao từ 500 m2 trở lên, độ sâu 1,5 – 3 m, ao nên có hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tròn để thuận lợi cho việc quây tụ chất thải vào giữa ao để hút ra ngoài, giảm ô nhiễm cho ao nuôi.
Trước khi bước vào vụ nuôi mới, đối với ao nuôi mới cần dùng vôi CaO rải đều trên đáy và bờ ao, liều lượng 10 – 15 kg/100 m2, sau đó bừa kỹ đáy để ổn định pH đất ao. Ao cũ cần sên vét hết bùn đen có trong ao, bùn được bơm lên vườn hoặc ao chứa bùn, tránh bơm ra kênh rạch gây ô nhiễm. Thiết kế hệ thống tách chất thải trong ao bằng cách tạo một hố miệng hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tròn, dạng hình phễu có đáy nhỏ, sâu 1,5 m ở giữa ao, diện tích hố chiếm 5 – 8% diện tích ao nuôi. Nguồn nước lấy vào ao cần trong sạch, hạn chế lấy nước đục (có nhiều phù sa). Khi thả cá nuôi cần thả cá với mật độ vừa phải (50 – 60 con/m2), tránh thả quá dày.
Nếu quản lý chất thải không hợp lý, nước ao dễ bị ô nhiễm dịch bệnh sẽ bùng phát – Ảnh: Thanh Ngân
Quản lý và chăm sóc
Nếu người nuôi muốn sản xuất thức ăn tự chế để giảm chi phí nuôi thì cần tính toán thành phần dinh dưỡng phù hợp chất lượng thức ăn, nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn phát triển của cá. Giúp cá tiêu hóa tốt, giảm thấp hệ số thức ăn và lượng chất thải của cá ra môi trường, hạn chế ô nhiễm nước. Khi chế biến thức ăn cần pha trộn thêm bột gòn, bột keo làm tăng độ kết dính, hạn chế thức ăn bị tan trong nước.
Nếu dùng thức ăn công nghiệp, nên chọn các công ty uy tín. Thức ăn nên ít tan trong nước, cỡ viên phù hợp miệng cá để khi cho ăn, cá có thể ăn được hết, tránh dư thừa.
Theo dõi hàng ngày các hoạt động của cá và sự thay đổi thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp (cho ăn ít hoặc nhiều tùy theo sức ăn). Cần bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn, giúp cá tiêu hóa tốt, giảm hệ số thức ăn, hạn chế chất thải ra môi trường.
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi tại tỉnh Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ, cho cá ăn liên tục hàng ngày không mang lại hiệu quả cao, do cá tiêu hóa chậm, thức ăn không sử dụng triệt để và làm giảm sự hấp thu dinh dưỡng trong ruột cá. Để kích thích tính thèm ăn của cá, hạn chế lượng bùn thải trong ao, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo tốc độ sinh trưởng của cá, nên áp dụng phương pháp cho ăn gián đoạn (cho ăn 3 ngày, nghỉ 1 ngày). Khi cho cá ăn phải đảm bảo đúng địa điểm, đúng chất lượng và đúng thời gian để cá ăn được tập trung, hạn chế thức ăn thừa, tránh hiện tượng cá còi.
Sau khi nuôi cá được 1,5 tháng, cần xiphông chất thải của cá nuôi, xác tảo tàn lắng tụ dưới đáy ao. Chất thải trong quá trình phân hủy kị khí, sinh ra nhiều khí độc (H2S, NH3, NO2…) gây độc trực tiếp cho cá, đồng thời quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ sẽ sản sinh ra nhiều nitơ và phốtpho, tạo điều kiện cho tảo bùng phát, gây ô nhiễm và thiếu ôxy trong nước. Chất thải tích tụ sẽ là nơi trú ẩn của vi khuẩn có hại và ký sinh trùng, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển nhanh chóng, gây bệnh cho cá. Do vậy, thời gian này cần dùng chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao định kỳ 10 – 15 ngày/lần, tạo ra sinh khối vi khuẩn có lợi lấn át các vi khuẩn có hại, cân bằng hệ sinh vật trong ao nuôi.
Quạt khí, hút bỏ bùn đáy
Cá nuôi từ hai tháng trở đi cần vận hành máy sục khí để tăng ôxy hòa tan trong nước, giúp cá hô hấp tốt, giảm thấp hệ số thức ăn. Sục khí còn giúp cho vi khuẩn ở đáy ao làm việc hiệu quả hơn, hạn chế ô nhiễm. Chế độ sục khí cần dựa vào biểu hiện cá nổi đầu vào buổi sáng. Khi cá nổi đầu vào buổi sáng và lâu lặn xuống thì tăng cường thêm sục khí vào các thời điểm 5 – 10 giờ và 13 – 17 giờ. Khi lượng cá trong ao đạt 2,5 kg/m3: sục khí từ 17 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Khi lượng cá đạt đến 6 kg/m3, nên sục khí liên tục 24 giờ hàng ngày.
Việc lắp đặt và duy trì máy quạt nước trong ao vừa làm tăng ôxy hòa tan trong nước vừa gom tụ các chất cặn bã vào hố chứa giữa ao; sau đó dùng máy hút bùn, hút ra bên ngoài ao nuôi. Định kỳ hút chất thải trong ao 1 lần/tháng, biện pháp này tuy tốn nhiều thời gian nhưng rất hiệu quả vì hầu hết các chất cặn bã dưới đáy ao đều được đưa ra khỏi ao nuôi, nước và đáy ao sẽ luôn sạch, cá sẽ tăng trưởng tốt. Có thể thả ghép một số loài cá ăn tảo (như cá mè trắng, rô phi…) vào ao để hạn chế tảo phát triển trong ao.
>> Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản cho biết, hàng năm nguồn chất thải do nuôi cá tra, basa ở ĐBSCL khoảng 2 triệu tấn. Chất thải có thể chứa đến 45% nitơ và 22% là các thành phần khác. Nguồn chất thải này vẫn chưa được xử lý triệt để và thải vào sông rạch, gây ô nhiễm. |