Quản lý dinh dưỡng: Yếu tố then chốt góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phát triển ngành công nghiệp thức ăn chất lượng cao cho tôm kết hợp chương trình cho ăn đúng là một trong những yếu tố then chốt giúp cho nghề nuôi tôm vượt khó, phát triển bền vững.

Ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: ST

Dữ liệu trong Hội nghị Shrimp Submit cho thấy, sản lượng tôm nuôi toàn cầu đạt 5.476.000 tấn năm 2023 trong đó tôm nuôi Việt Nam ước đạt 600.000 tấn, chỉ sau Ấn Độ (650.000 tấn), Trung Quốc (1.295.000 tấn) và Ecuador (1.402.000 tấn). Thức ăn tôm tiêu thụ trong năm 2023 ở Việt Nam ước đạt hơn 900 ngàn tấn. 90% thị phần thức ăn đến từ các Công ty sản xuất thức ăn hàng đầu như Thăng Long, CP, Grobest, Uni-President, Tongwei, Growmax, Deheus và Việt Hoa cùng với một số công ty đang gia tăng sản lượng có thể kể đến là Haid và Newhope. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành, bao gồm:

Thứ nhất, chất lượng nguồn tôm giống chưa đảm bảo sự đồng đều cho các yếu tố sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh tốt.

Thứ hai, môi trường Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực nuôi tôm ven biển miền Trung & miền Bắc ngày càng ô nhiễm, cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt, cực đoan do biến đổi khí hậu.

Thứ ba, sau đại dịch COVID-19 cùng với các rủi ro vận chuyển do chiến tranh Nga – Ukraine càng làm gia tăng chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, bao gồm sản xuất thức ăn cho tôm, khiến giá thức ăn cho tôm tăng cao. Trong khi đó, sản lượng tôm nuôi tại Ecuador và Trung Quốc ở mức cao và liên tục tăng khiến giá tôm giảm gây khó khăn cho người nuôi tôm.

Thứ tư, dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi xuất hiện ngày càng nhiều và khó kiểm soát do sự kháng thuốc; diễn biến cực đoan của thời tiết, môi trường làm tôm dễ bị sốc nặng hơn (stress); các giải pháp triển khai nhằm điều trị dịch bệnh trên tôm ngày một khó khăn hơn.

Nhằm giải quyết tốt những thách thức nói trên của nghề nuôi tôm, đưa nghề nuôi phát triển bền vững cần có các giải pháp căn cơ về quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống; khai thông, quy hoạch thủy lợi; thực hành các giải pháp nuôi có trách nhiệm; phát triển ngành công nghiệp thức ăn chất lượng cao cho tôm kết hợp chương trình cho ăn đúng sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp cho nghề nuôi tôm vượt khó, phát triển bền vững hơn.

Khác với nghề nuôi tôm quảng canh với mật độ thả nuôi 10 – 20 con/m2 ở Ecuador, nghề nuôi tôm thâm canh ở Việt Nam có mật độ ương gièo đạt 1.000 – 3.000 con/m2 và mật độ nuôi đạt 150 – 300 con/m2. Ở mật độ nuôi thâm canh cao sự tăng trưởng và sức khỏe tôm hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng thức ăn cung cấp cho tôm, trong khi với mật độ nuôi thấp như Ecuador thì sự tăng trưởng và sức khỏe tôm phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn tự nhiên nên nguồn thức ăn cung cấp cho tôm có hàm lượng dinh dưỡng và chất bổ sung sức khỏe thấp hơn nhiều.

Với mật độ ương gièo cao (1.000 – 3.000 con/m2) tôm rất dễ bị sốc (stress) nên giai đoạn gièo cần cho ăn thức ăn có chất lượng như thức ăn ở trại giống, đồng thời bổ sung dinh dưỡng sức khỏe để tăng cường sức chống chọi stress. Với mật độ nuôi thâm canh cao đến giai đoạn 30 g hay rút size cỡ tôm lớn đạt 50 g, chiến lược thức ăn và chương trình cho ăn được đề xuất để gia tăng sức khỏe, đề kháng dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất như sau:

1. Thức ăn chức năng có hàm lượng dinh dưỡng cao (50% đạm) cho giai đoạn gièo.
2. Thức ăn chất lượng cao cấp và chức năng (42% đạm) đến 45 ngày nuôi (cỡ tôm 10g).
3. Thức ăn tiêu chuẩn (38% đạm) cho giai đoạn 45 ngày đến 100 ngày nuôi (đạt cỡ tôm 30g).
4. Thức ăn tăng trọng (45% đạm) giúp tôm về cỡ lớn từ giai đoạn 20g về 60g.

Khác biệt giữa thức ăn chất lượng cao và thức ăn tiêu chuẩn là hàm lượng dinh dưỡng, đặc biệt là độ đạm tiêu hóa xây dựng trên cơ sở axit amin tiêu hóa; hàm lượng cholesterol, phospholipid cũng như hàm lượng các loại vitamin và khoáng chất cho tôm sẽ được dùng ở mức cao hơn thức ăn tiêu chuẩn. Thức ăn chức năng trước hết phải là dòng thức ăn chất lượng cao cùng với việc bổ sung các nguồn dinh dưỡng sức khỏe đến từ nguyên liệu đạm chức năng sinh học và các phụ gia chứa dinh dưỡng sức khỏe cho các chức năng sau:

1. Chống stress và chống ôxy hóa: Biopeptides, nucleotides, carotenoids, Vitamin E, Vitamin A, Vitamin C, Vitamin D3.
2. Kháng khuẩn: Biopeptides, phytogenics.
3. Kích thích miễn dịch: β-1,3-1,6 glucan, Mos, yeast extracts.
4. Sức khỏe đường ruột & tiêu hóa: Axit hữu cơ, enzymes, probiotics, prebiotics, tinh dầu thiết yếu.
5. Hỗ trợ sức khỏe gan tụy: Taurine, choline chlorides, sorbitol, myo-inositol, L-amino acids, Vitamin C, E, A, D3 và selenium hữu cơ.

Nguyên liệu đạm hoạt tính sinh học chức năng và các phụ gia sử dụng cho việc xây dựng công thức thức ăn chức năng và thức ăn tiêu chuẩn được đề xuất theo 2 hướng sau:

1. Thức ăn cao cấp và thức ăn chức năng

Nguồn bột cá chất lượng cao nhập khẩu (Peru, Chile,…) và bột đậu nành tách vỏ chất lượng cao.
Bột mì chất lượng cao (36% gluten) cùng với bột gluten để không dùng chất kết dính

Đạm chức năng MOTIV hàm lượng tối thiểu 10% để cung cấp các dinh dưỡng chức năng như biopeptides, axit hữu cơ, carotenoids và nguồn đạm chất lượng cao.

Chiết xuất tế bào nấm men, tảo Spirulina, bột đạm krill meal or, các phụ gia bổ sung nucleotides, astaxanthin, cholesterol (tối thiểu 0.15%) và phospholipids (tối thiểu 1.5%), dầu cá chất lượng cao để đảm bảo nhu cầu tối thiểu 1.0% trong thức ăn. Các loại vitamin, khoáng chất cần phải đáp ứng ở mức cao, đặc biệt Vitamin A, C, E, D3 và khoáng hữu cơ selenium.

2. Thức ăn tiêu chuẩn hay thức ăn kinh tế

Nguồn bột cá chất lượng cao từ nội địa và bột gia cầm hàm lượng tro thấp.
Nguồn đạm chức năng MOTIV tối thiểu 5% để giúp giảm hệ số FCR và gia tăng tỷ lệ sống.

Bột đậu nành Argentina hay Brazil (46% đạm tối thiểu) cùng với nguồn bột mì tiêu chuẩn guleten tối thiểu 32%) và bổ sung chất kế dính.
Các chất dẫn dụ có thể dùng dịch cá và dịch mực cùng với vitamin, khoáng chất và dầu cá.

Nhằm giải quyết tốt những thách thức nói trên của nghề nuôi tôm, đưa nghề nuôi phát triển bền vững cần có các giải pháp căn cơ về quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống; khai thông, quy hoạch thủy lợi; thực hành các giải pháp nuôi có trách nhiệm; phát triển ngành công nghiệp thức ăn chất lượng cao cho tôm kết hợp chương trình cho ăn đúng sẽ là một trong những yếu tố then chốt giúp cho nghề nuôi tôm vượt khó, phát triển bền vững hơn

TS. Nguyễn Duy Hòa
Giám đốc kỹ thuật
Ngành hàng Empyreal, Tập đoàn Cargill

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!