Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị 29/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam. Tại Quảng Ngãi, hiện nay công tác bảo tồn biển gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, công tác bảo tồn biển được Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác bảo tồn biển đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng ô nhiễm môi trường; hoạt động lấn biển để xây dựng các công trình, nhất là những công trình khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn khu vực ven biển, đảo, làm suy thoái, phá hủy các hệ sinh thái biển; tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển chưa được giải quyết triệt để… Điều này đã và đang làm suy giảm nhanh chóng đa dạng sinh học, suy thoái hệ sinh thái biển.
Việc phục hồi, bảo vệ thảm cỏ biển ở Khu Bảo tồn biển Lý Sơn mới bước vào giai đoạn điều tra thực trạng.
Tại Quảng Ngãi, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển xung quanh đảo Lý Sơn, từ năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Đây cũng là một trong 16 khu bảo tồn biển Việt Nam chính thức được xác lập và thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ. Với trọng tâm phát triển Khu bảo tồn biển Lý Sơn trở thành khu sinh thái biển mang tính đa dạng sinh học cao, tỉnh đã lập kế hoạch bố trí kinh phí gần 10 tỷ đồng đầu tư cho khu bảo tồn. Theo đó, Khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ được đầu tư lắp đặt phao tiêu phân định các vùng chức năng; phục hồi hệ sinh thái đặc thù (san hô, thảm cỏ biển) và giám sát đa dạng sinh học, môi trường; mua sắm các trang thiết bị phục vụ quản lý như phương tiện tuần tra, đồ lặn, camera dưới nước; chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân bị ảnh hưởng sinh kế khi thành lập khu bảo tồn.
Tuy nhiên, đến nay việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân bị ảnh hưởng sinh kế khi thành lập khu bảo tồn vẫn chưa thể thực hiện, vì thiếu kinh phí. Các hoạt động chuyên sâu liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển như phục hồi hệ sinh thái đặc thù mới dừng lại ở hoạt động điều tra đa dạng sinh học chứ chưa thực hiện được việc tái tạo, phục hồi. Mặt khác, dù đã được đầu tư lắp đặt phao tiêu phân định vùng chức năng cũng như phương tiện tuần tra, nhưng từ năm 2020 đến nay, do kinh phí hạn chế, nên Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cũng chỉ thực hiện được hơn 60 lượt tuần tra trên biển. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật trong phạm vi quản lý của khu bảo tồn.
Trước những hạn chế trong công tác quản lý khu bảo tồn biển hiện nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo, tổ chức nghiêm các biện pháp bảo tồn biển, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức rà soát, đánh giá tác động của các dự án liên quan đến khu bảo tồn biển. Đặc biệt, không cấp phép các dự án đầu tư phát triển trên phần diện tích đã quy hoạch thành lập khu bảo tồn, khu vực có phân bố của hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển. Cùng với đó, để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ khu bảo tồn biển, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, UBND các tỉnh, thành phố ven biển phải chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển trong tuần tra, kiểm soát và kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng xâm phạm khu bảo tồn biển, gây ô nhiễm môi trường, khai thác nguồn lợi hải sản trái phép trong khu vực bảo tồn.
Theo Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương phải chủ động bố trí nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác. Có như thế, mới giảm áp lực lên khu bảo tồn biển và giúp công tác quản lý khu bảo tồn biển bảo đảm được hiệu quả bền vững.
Bài, ảnh: Ý Thu
Nguồn: Báo Quảng Ngãi